Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là thành phố Vĩnh Phúc vào năm 2020, cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh luôn xác định phải đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đồng bộ "níu chân" các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội, tỉnh đã và đang triển khai nhiều công trình quan trọng như: Đường vành đai 3, vành đai 2; đường song song đường sắt; cầu Phú Hậu và đường giao thông kết nối từ Nút giao Văn Quán qua cầu Phú Hậu đến Quốc lộ 2A; các tuyến đường giao thông phục vụ các khu du lịch được triển khai như: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2B (đoạn qua cầu Chân Suối đến Tam Đảo núi); các tuyến đường giao thông phục vụ Khu Du lịch Tam Đảo 2, Khu du lịch Đại Lải…. Giao thông nông thôn được cứng hóa đạt trên 88%. Mạng lưới giao thông từng bước đồng bộ, tạo “đòn bẩy” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh.
Hệ thống lưới điện từ cao áp đến lưới trung áp, lưới hạ áp được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh hiện nay có trên 193 km đường dây cao áp, 1.432 km đường dây trung áp, 2.188 km đường dây hạ áp; 2 TBA 220kV, 8 TBA 110kV, 3 TBA trung gian, 2008 TBA phân phối. 100% các xã được phủ lưới điện Quốc gia, gần 100% dân số được dùng điện lưới.
Nhìn chung, hạ tầng điện được đầu tư xây dựng cơ bản theo quy hoạch, các công trình trạm điện, đường dây đang dần được đầu tư. Tăng trưởng điện thương phẩm đạt bình quân trên 15%/năm; trong đó, điện cho công nghiệp và xây dựng tăng gần 13%/năm, cho quản lý tiêu dùng dân cư tăng gần 14%. Mạng lưới phân phối bán buôn, bán lẻ điện được tổ chức đa dạng với nhiều loại hình, mô hình kinh doanh, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Hạ tầng thủy lợi tiếp tục được đầu tư nâng cấp phục vụ tưới, tiêu đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Giai đoạn 2016- 2017 đã hoàn thành các kè xử lý sạt lở bờ sông tại các xã: Đồng Ích, Sơn Đông, Đôn Nhân, Cao Phong, Đức Bác, Việt Xuân… Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo hoạt động ổn định, đạt 97% so với kế hoạch đề ra.
Những năm vừa qua, tỉnh đã và đang tập trung hạ tầng đô thị Vĩnh Yên và Phúc Yên. Đến nay, Vĩnh Phúc có 2 thành phố. Tỷ lệ đô thị hóa trên toàn tỉnh đạt 34%, dân số đô thị đạt 362 nghìn người. Hệ thống công viên, quảng trường đang dần được đầu tư, hình thành. Các tuyến đường giao thông đô thị cơ bản đã hoàn thành rải thảm nhựa. Hệ thống cấp nước sạch phục vụ tốt nhu cầu cho các khu vực trung tâm đô thị và khu công nghiệp đã hình thành. Hệ thống thoát nước thải đang từng bước được đầu tư, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Toàn tỉnh hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động với tổng số gần 1.900 trạm BTS các loại, qua đó, đã mở rộng vùng phủ sóng, tăng dung lượng và chất lượng phủ song tại các khu vực thành phố, trung tâm huyện, các điểm du lịch, khu công nghiệp. đến nay, 100% thuê bao internet trên địa bàn tỉnh là Internet băng rộng.
Mạng thông tin di dộng 3G đã phủ 100% địa bàn các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Di động mạng 4G được phủ sóng tại thành phố Vĩnh Yên và trung tâm các huyện, thị xã trong tỉnh. Tổng số thuê bao ước đạt hơn 800.000 thuê bao, tương ứng tỷ lệ 78 thuê bao/100 dân; tổng thuê bao Internet đạt gần 100.000 thuê bao, tương đương 10 thuê bao/100 dân, số người sử dụng internet là 58 người/100 dân. Các loại hình dịch vụ viễn thông và internet đa dạng. Hạ tầng viễn thông và internet được đầu tư tương đối đồng bộ và hiện đại, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
Nhờ có hệ thống hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại, giai đoạn 2016- 2017, tỉnh thu hút được 71 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký khoảng 0,82 tỷ USD và 99 dự án DDI với số vốn đăng ký đạt trên 12,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2017 trên địa bàn tỉnh có 939 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Cũng trong 2 năm qua, đã có thêm khoảng 110 dự án đi vào hoạt động SXKD, trong đó có 45 dự án FDI và 65 dự án DDI, nâng tổng số dự án đã đi vào hoạt động SXKD là 536 dự án. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016- 2017 của tỉnh đạt 8,14%, vượt mục tiêu ĐH đề ra là từ 7-7,5%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, công tác bồi thường- GPMB vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án; đầu tư hạ tầng các khu đất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê theo quy hoạch chậm triển khai. Hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN huyện Sông Lô và Lập Thạch chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc thu hút được các dự án có quy mô lớn. Hệ thống thoát nước thải đô thị chưa được đầu tư đồng bộ; một số khu đô thị mới chỉ được đầu tư xây dựng cống, rãnh thu gom nước thải, các công trình còn nhỏ lẻ, mang tính chắp vá, cục bộ...
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực để từng bước xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp hiện có; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư các KCN: Thăng Long Vĩnh Phúc, Tam Dương II khu A và B, Phúc Yên... để có quỹ đất cho sản xuất và triển khai các dự án.
Theo báo Vĩnh Phúc