Vĩnh Phúc: Thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng cụm công nghiệp

Thứ ba, 27/03/2018 15:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN). Tuy nhiên, do còn những khó khăn, bất cập nên mới có 7/15 CCN đi vào hoạt động. Để từng bước hoàn thiện hạ tầng CCN phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cho CCN và làng nghề giai đoạn 2018- 2021.

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất An Toàn (CCN Tân Tiến) tạo việc làm cho trên 30 lao động, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Lư

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh, đến năm 2030, sẽ có 31 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 600 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 15 CCN với tổng diện tích gần 350 ha. Trong đó, 5 CCN ở huyện Vĩnh Tường; 3 CCN ở huyện Bình Xuyên; 6 CCN ở huyện Yên Lạc và 1 CCN ở huyện Tam Dương.

Trong 15 CCN có 7 cụm đã đi vào hoạt động gồm: CCN Tề Lỗ, CCN thị trấn Yên Lạc, CCN Hương Canh, CCN Hợp Thịnh, CCN Lý Nhân, CCN Đồng Sóc và CCN Tân Tiến. Các CCN đã thu hút gần 500 dự án đi vào hoạt động với tổng nguồn vốn đăng ký đạt gần 2 nghìn tỷ đồng; trong đó có 161 doanh nghiệp, 296 cơ sở, hộ kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 7 nghìn lao động ở các địa phương.

Để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vào các CCN, năm 2010, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2010/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN giai đoạn 2010- 2015. Trong đó, tập trung hỗ trợ kinh phí giúp doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; đánh giá tác động môi trường; rà phá bom mìn; thu gom rác thải và xử lý nước thải.

Sau khi ban hành, Nghị quyết số 12 được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đăng ký đầu tư vào các CCN. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, thị trường bất động sản đóng băng nên không có cơ hội đầu tư. Mặt khác, đối chiếu Nghị quyết 12, rất ít doanh nghiệp thuộc đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ, chỉ có 1/7 CCN (CCN Đồng Văn) được ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 6 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến nhiều CCN không được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 12 là do chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng không thực hiện đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; việc giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước; hoạt động bảo vệ môi trường chưa được quan tâm; một số CCN đi vào hoạt động song chưa hoàn thiện hạ tầng, nhất là hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước thải, khí thải...

Cũng theo đánh giá của Sở Công thương, mặc dù có chính sách hỗ trợ của tỉnh song nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà đầu tư hạ tầng CCN bởi quy mô, diện tích các CCN nhỏ song doanh nghiệp vẫn phải đầu tư đầy đủ các hạng mục dẫn đến suất đầu tư lớn; hầu hết, cơ sở sản xuất trong CCN là doanh nghiệp nhỏ nên vốn đầu tư hạn chế, không có điều kiện thuê mặt bằng với giá như khu công nghiệp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở CCN còn gặp nhiều khó khăn...

Trong khi những vướng mắc về thu hút đầu tư hạ tầng CCN chưa được tháo gỡ thì Nghị quyết 12 lại hết hiệu lực (2010- 2015) đòi hỏi tỉnh phải ban hành các chính sách mới. Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ CCN và làng nghề giai đoạn 2018- 2021.

Để tăng cường thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng CCN, tỉnh sẽ kêu gọi xã hội hóa (đối với các CCN chưa triển khai đầu tư hạ tầng). Trong trường hợp không thể xã hội hóa sẽ xây dựng cơ chế cho các địa phương được sử dụng tiền đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng. Đối với các CCN đã hình thành nhưng chưa có chủ đầu tư sẽ xem xét để giao BQL Dự án của huyện làm chủ đầu tư và xây dựng phương án huy động vốn...

Về cơ chế chính sách, tỉnh đang xem xét hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập quy hoạch tỷ lệ chi tiết 1/500; lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật; rà, phá bom, mìn; xây dựng hạ tầng CCN (không bao gồm hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải tập trung) theo quy mô và từng mức hỗ trợ; xây dựng hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải tập trung trong hàng rào CCN (theo tiêu chuẩn và có từng mức hỗ trợ); xây dựng điểm tập kết trung chuyển chất thải rắn, hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quy định cho mỗi làng nghề được công nhận; tham gia hội chợ triển lãm trong nước…

Như vậy có thể thấy, nếu được HĐND tỉnh thông qua, Nghị quyết hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2018- 2021 sẽ có tính khả khi, thể hiện sự ưu việt hơn so với Nghị quyết số 12. Theo đó, nhiều nội dung, chương trình đầu tư của doanh nghiệp được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí. Tin rằng, các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh sẽ là đòn bẩy phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng các CCN để đạt mục tiêu 100% các CCN được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động vào năm 2030.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)