Hà Nội: Chú trọng quản lý không gian và xây dựng đô thị

Thứ hai, 23/12/2019 10:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2019, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô theo quy định của Luật Thủ đô. Trong đó, việc quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan và xây dựng đô thị (Điều 10 Luật Thủ đô) được thành phố đặc biệt chú trọng.

Cụ thể, về quản lý, bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan, công trình có giá trị, Thành phố đã phê duyệt hơn 136 đồ án quy hoach chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường, các dự án hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị. Thực hiện rà soát 642 đồ án, dự án trên địa bàn mở rộng; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai 329 đồ án, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng. Hoàn thành việc rà soát, đề xuất cho dừng, giãn và hoãn, chuyển đổi mục đích đầu tư các dự án không phù hợp quy hoạch. Thành phố đã ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố; tiếp tục công tác chỉnh trang, bảo tồn phố cổ, phát huy giá trị không gian đi bộ khu bảo tồn cấp 1 trong khu phố cổ (với 12 tuyến phố) kết nối với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đạt hiệu quả cao đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và khách du lịch.

Về đồ án quy hoạch đảm bảo tạo lập không gian cảnh quan khu vực hai bên sông Hồng (Khoản 1 Điều 10), căn cứ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011, UBND Thành phố đã tổ chức nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5000, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4770/QĐ-UBND, ngày 23/10/2012. Theo đồ án, phân khu đô thị sông Hồng nằm trải dài trên địa giới hành chính 13 quận, huyện gồm: Đan Phượng, Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Quy mô diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 11.513ha. Tuy nhiên, ngày 18/02/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 257/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, do vậy, để giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Thành phố đã chỉ đạo nghiên cứu, lập Quy hoạch phân khu phạm vi khu vực ngoài đê dọc hai bên sông Hồng đảm bảo phòng chống lũ, tạo lập một đô thị hiện đại, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo quỹ đất để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch; phát triển giao thông vận tải và du lịch đường sông; ưu tiên tái định cư tại chỗ.

Việc phê duyệt thiết kế đô thị riêng trong khu vực đã ổn định chức năng sử dụng đất để phục vụ cho việc quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị và cấp phép xây dựng (khoản 3 Điều 10). Thực hiện Khoản 2, Điều 32 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã lập 60 đồ án thiết kế đô thị riêng. Đến nay, UBND Thành phố đã phê duyệt 03 đồ án thiết kế đô thị theo thẩm quyền liên quan đến địa giới hành chính hai quận, huyện gồm: Đồ án thiết kế đô thị - Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến đường Trần Phú - Kim Mã (Quyết định số 4001/QĐ-UBND, ngày 27/6/2013); Đồ án thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Trường Chinh (Quyết định số 777/QĐ-UBND, ngày 12/02/2018); Đồ án thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Xuân Thủy (Quyết định số 2777/QĐ-UBND, ngày 31/5/2016).

Về cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường giao thông, thiết kế đô thị, Thành phố đã phê duyệt danh mục đồ án đến năm 2020 gồm 94 đồ án thiết kế đô thị (trong đó 46 đồ án giao trước năm 2015). Công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị được triển khai đồng bộ. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới; nhiều tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hệ thống cây xanh đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển gắn với hệ thống công viên, hồ nước tạo thành không gian xanh đô thị, phục vụ công cộng. Triển khai phương án đặt hàng công tác duy tu, duy trì hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn 12 quận và các trục đường liên quận, huyện giai đoạn 2020 -2024; trồng mới 600 nghìn cây xanh, trong đó, trồng 1000 cây hoa Anh đào tại công viên Hòa Bình, do Nhật Bản trao tặng. Hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị được đầu tư chiều sâu, đảm bảo ngày càng sáng hơn, đẹp hơn, tỷ lệ chiếu sáng đô thị đạt 98%; triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng năng lượng mặt trời cho hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn Thành phố.

Về xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc tại khu vực 04 quận, Thành phố đã phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (thuộc Bộ Xây dựng) tổ chức xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc tại khu vực các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết bằng nhiều hình thức, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố. Tích cực triển khai có hiệu quả các quy định Luật Thủ đô và văn bản quy định chi tiết ở các cấp, các ngành Thành phố; vận dụng linh hoạt các cơ chế đặc thù đã được quy định trong Luật Thủ đô tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của Thủ đô. Trong đó, chú trọng việc quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan và xây dựng đô thị, chủ động trong việc phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.


Theo Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)