Vĩnh Phúc: Hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị

Thứ năm, 25/04/2019 13:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh có cơ sở kinh tế kỹ thuật vững chắc, hạ tầng hiện đại và đồng bộ, chất lượng môi trường sống tốt, đảm bảo phát triển bền vững trong quá trình đẩy mạnh CNH - HĐH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ phát triển KT - XH.

Đô thị Vĩnh Yên được quy hoạch đồng bộ, hiện đại. Ảnh Khánh Linh

Xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, tổng thu ngân sách hàng năm thấp và không đủ chi, mặc dù trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh có nhiều bước đột phá, song, các đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn đang phát triển theo xu hướng tự phát. Hai đô thị lớn trong tỉnh là thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên phát triển theo hướng vành đai đồng tâm, còn các đô thị khác phát triển theo hướng điểm, dải, chuỗi dọc theo trục giao thông và phân tán. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai những giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thiện quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng để nâng cấp các đô thị, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, bộ mặt đô thị Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc, hiện đại với 25 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và đô thị thuộc huyện gồm 12 thị trấn và 11 đô thị loại V. Diện tích đất đô thị toàn tỉnh trên 290 km2. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành hệ thống các trung tâm chuyên ngành cấp vùng, bao gồm: Cụm đô thị Vĩnh Phúc (khu vực Vĩnh Yên là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại của cả tỉnh; khu vực Phúc Yên là trung tâm giáo dục, y tế và dịch vụ cấp tỉnh và khu vực); chùm đô thị vệ tinh Hợp Châu - Tây Thiên là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tâm linh; chùm đô thị Vĩnh Tường là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, công nghiệp; chùm đô thị Lập Thạch là trung tâm dịch vụ, thương mại, làng nghề. Công tác lập và triển khai quy hoạch phát triển đô thị được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện. Hệ thống các đô thị đang được quy hoạch và xây dựng tiến tới hoàn chỉnh.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch đô thị theo cấp vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Trong lõi đô thị Vĩnh Phúc đã hoàn thiện phủ kín 15 đồ án quy hoạch phân khu và các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị. Các đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư về hạ tầng cơ sở, kỹ thuật, giữ vai trò là các cực tăng trưởng, trung tâm thúc đẩy sự phát triển KT - XH của tỉnh với khoảng 88% nguồn thu GDP của tỉnh; tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ -nông, lâm, ngư nghiệp, tạo tiền đề giúp tỉnh đạt được những tiêu chí cơ bản của một tỉnh công nghiệp.

Tuy nhiên, quy mô các đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, chủ yếu mang chức năng trung tâm hành chính, chính trị, các chức năng sản xuất, dịch vụ, thương mại chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, chất lượng hệ thống các tuyến đường phố tại các đô thị còn thấp và chưa đồng bộ; cấp điện đủ dùng với tiêu chuẩn thấp; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch chưa cao; hệ thống thoát nước chưa đảm bảo, các đô thị hầu như chỉ có hệ thống thoát nước, nhưng cũng chỉ dành cho thoát nước mưa, riêng có thành phố Vĩnh Yên đang được đầu tư hệ thống thoát nước thải. Cấu trúc không gian hệ thống đô thị chưa cân đối, dân cư đô thị tập trung chủ yếu ở hành lang giao thông Đông - Tây và vùng phía Nam của tỉnh, trong khi vùng phía Bắc mật độ dân cư còn thưa thớt.

Theo kế hoạch đề ra, một số đô thị sẽ được đầu tư nâng cấp để phân loại đô thị trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng đến nay, một số đô thị vẫn chưa được nâng cấp theo đúng lộ trình, như: Nâng cấp đô thị Vĩnh Tường, Bình Xuyên từ đô thị loại V thành đô thị loại IV; thành lập các đô thị Hợp Châu, Tam Hồng thành thị trấn; một số thị trấn, xã được sáp nhập vào chùm đô thị nhưng hiện nay vẫn chưa được sáp nhập về mặt hành chính...

Đẩy mạnh xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh theo định hướng phấn đấu trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào cuối những năm 20 của Thế kỷ XXI; đảm bảo kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và bền vững; xây dựng các cơ sở kinh tế - sản xuất, hình thành các trung tâm chuyên ngành lớn cho tỉnh và có sức lan tỏa đối với vùng, gắn kết chặt chẽ với thủ đô Hà Nội... là những mục tiêu mà Vĩnh Phúc đang hướng đến trong tương lai gần.

Thời gian tới, một số giải pháp mang tính đồng bộ, chiến lược được tỉnh đề ra và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện, như: Chủ động chuẩn bị đủ quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm đến năm 2020; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công (bao gồm cả vốn ngân sách tỉnh, vốn ODA, vốn vay ưu đãi, các nguồn hỗ trợ từ Trung ương và nguồn vốn khác); ưu tiên tập trung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm theo danh mục đã được xác định và thực hiện theo kế hoạch phân bổ hàng năm.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)