Nước – Nguồn tài nguyên vô cùng quý giá trong sinh hoạt và sản xuất; càng đặc biệt quý giá hơn với đồng bào vùng cao cực Bắc Tổ quốc khi tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra tại nhiều địa bàn trong tỉnh. Để giúp người dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, những năm qua tỉnh ta luôn quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Công trình nước sạch thôn Vĩnh Chúa, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Thông qua nhiều Chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Mở rộng quy mô nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả; giảm nghèo bền vững; Chương trình 30a, 135 CP... Với nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân sách T.Ư và nguồn đối ứng của tỉnh, nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa… tỉnh ta đã đầu tư, xây dựng hàng nghìn công trình cấp nước tập trung và cấp nước nhỏ lẻ ở nông thôn, giúp hàng trăm nghìn hộ dân được sử dụng nước sạch. Hệ thống hồ treo trên Cao nguyên đá thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng và sử dụng hiệu quả. Năm 2018, tỷ lệ dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 81,5%, tăng 1,8% so với năm 2017, tương đương với 642.655 người được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ cư dân thành thị được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90,5%. Toàn tỉnh hiện có 33 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, tỷ lệ người dân các xã Nông thôn mới được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cơ bản đạt tiêu chí.
Chương trình Mở rộng quy mô nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả là một trong những chương trình nước sạch mang lại hiệu quả rõ nét nhất với tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và người dân trong sử dụng nước sạch và đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình, có 38 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, với tỷ lệ người dân được đấu nối trên 12 nghìn hộ. Văn phòng đại diện của Chương trình tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng nước sạch; hoàn thành Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý, vận hành công trình sau đầu tư; tổ chức tập huấn quản lý, vận hành công trình sau đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện chương trình tại các địa phương. Năm 2019, chương trình phấn đấu tiếp tục thực hiện đầu tư 13 công trình cấp nước cho cộng đồng dân cư với trên 2.700 hộ được đấu nối sử dụng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh tại nhiều địa phương, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, việc được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh vẫn luôn là điều trăn trở. Tỷ lệ cấp nước theo Quy chuẩn quốc gia tại khu vực các trường học và trạm y tế còn ở mức thấp; một số công trình cấp nước sau đầu tư chưa phát huy hết hiệu quả.
Năm 2019, tỉnh ta đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 84,7%; tỷ lệ người dân thành thị sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 91%. Để đạt được mục tiêu này, đồng chí Giáp Mai Thùy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là vùng nông thôn; góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tỉnh đang tập trung lồng ghép các nguồn lực; đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình nước sạch, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch cho người dân. Người dân chính là chủ thể được hưởng lợi từ các công trình đầu tư; vì vậy, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc lấy ý kiến tham vấn và giám sát quá trình đầu tư luôn được phát huy hiệu quả”.
Theo báo Hà Giang