Thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp
Theo đó, Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án được 92,75% tổng số ĐBQH tham dự tán thành.
Cụ thể, Nghị quyết đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với Chính phủ như: Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao; ngăn chặn xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, chú trọng phòng ngừa xã hội; tiếp tục giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về thống kê tai nạn giao thông để phản ánh đúng tình hình thực tế; giảm mạnh các vụ cháy nổ, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chủ động đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vi phạm an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; nâng tỉ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; chỉ đạo Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng…
Đối với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Nghị quyết đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: chỉ đạo các Viện Kiểm sát áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát; kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để giải quyết vụ án khẩn trương, đúng pháp luật; bảo đảm các quyết định phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn đúng pháp luật; không để xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; khắc phục việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hành chính....
Đối với Tòa án nhân dân Tối cao, Nghị quyết nêu rõ: Có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án; tỉ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%; tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử; hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án; giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án; kịp thời sửa chữa, bổ sung bản án; xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật đối với các bản án, quyết định có sai sót khi có kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu về tuyên bố phá sản doanh nghiệp, khắc phục việc hủy án nhiều lần không có căn cứ pháp luật dẫn tới kéo dài việc giải quyết; nâng tỉ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự...
Nghị quyết còn nêu rõ, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án kịp thời giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm của người gây oan sai theo quy định của pháp luật.
Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước thống nhất thời điểm thống kê số liệu năm công tác từ ngày 1/10 năm trước đến hết ngày 30/9 năm sau hoàn thiện báo cáo công tác năm trình Quốc hội.
Thông qua mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội
Với 81,16% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Theo đó, Điều 1 Nghị quyết quy định, tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội như sau: Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã.
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Điều 9 Nghị quyết quy định điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, HĐND, UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị quyết này kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 2021-2026.
HĐND, UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021.
Kể từ ngày 1/7/2021, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp Chủ tịch UBND quận, thị xã chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường mới được bổ nhiệm.
Các văn bản của chính quyền địa phương ở phường nhiệm kỳ 2016-2021 được ban hành trước ngày 01/7/2021, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.
Điều khoản chuyển tiếp của Nghị quyết còn nêu rõ, các quận, thị xã, thành phố, phường tại thành phố Hà Nội được thành lập kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành không thuộc phạm vi thực hiện thí điểm theo quy định của Nghị quyết này. Việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính này thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Chinhphu.vn