Huyện Thạch Thành quan tâm đầu tư phát triển đô thị

Thứ sáu, 23/06/2017 15:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, huyện Thạch Thành đã và đang tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, xây dựng chỉnh trang đô thị gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường.

Quốc lộ 45, đoạn qua thị trấn Kim Tân.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện đạt 20% trở lên.

Tìm hiểu thực tế tại thị trấn Vân Du, chúng tôi được biết, đây là địa phương nằm trên tuyến Quốc lộ 217B, gần Quốc lộ 45, cách Quốc lộ 1A khoảng 15 km nên thuận lợi về giao thông, giao thương phát triển kinh tế - xã hội. Thị trấn được quy hoạch gắn với phát triển Khu Công nghiệp Vân Du – trung tâm sản xuất công nghiệp chuyên ngành chế biến nông - lâm sản và may mặc, hạt nhân là Nhà máy Đường Việt – Đài. Cùng với thị xã Bỉm Sơn, Vân Du là đô thị hạt nhân vùng kinh tế động lực phía Bắc tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình phát triển, thị trấn Vân Du đã huy động hàng trăm tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, vốn đóng góp của nhân dân... để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ngày 8-7-2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg công nhận thị trấn Vân Du là đô thị loại V. Từ đó đến nay, thị trấn Vân Du luôn được các cấp, các ngành, doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển và tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%.

Trong quá trình đầu tư xây dựng, phát triển, đến nay trên địa bàn huyện Thạch Thành có 3 đô thị đạt đô thị loại V, đó là: thị trấn Kim Tân, thị trấn Vân Du và đô thị Thạch Quảng. Thực tế cho thấy, công tác lập quy hoạch, chất lượng các đồ án quy hoạch được nâng cao, có tầm nhìn dài hạn, dự báo được xu thế phát triển đô thị trong tương lai. Các tuyến quốc lộ, đường tỉnh được Nhà nước đầu tư xây dựng nhựa hóa 100%; các tuyến đường nội thị được đầu tư xây dựng bằng ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân và đã nhựa hóa, bê tông xi măng, rải đá cấp phối đạt hơn 90%. Hệ thống điện được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, bảo đảm an toàn và chất lượng, 100% hộ dân, tổ chức doanh nghiệp tại các đô thị được sử dụng điện lưới quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu điện sinh hoạt; sản xuất, kinh doanh. 90% các tuyến đường trục chính, các tuyến phố có mật độ dân cư cao đều được đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng. Nhiều hộ dân đã và đang đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp nhà ở cao tầng, kiên cố, khang trang. Thị trấn Kim Tân được đầu tư xây dựng nhà máy nước có công suất 1.000 m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho 315 hộ dân, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đáp ứng 20% nhu cầu sử dụng; các hộ còn lại đang sử dụng nước giếng khoan, nước mưa. Tốc độ phát triển kinh tế của các đô thị bình quân từ năm 2011 đến năm 2016 đạt 21,2%, cao hơn bình quân chung toàn huyện 5,1% (16,1%/năm). Đến hết tháng 5 - 2017, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện Thạch Thành đạt hơn 12%.

Đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Để đạt kế hoạch đề ra đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn đạt 20% trở lên, hiện huyện đang tập trung phát triển đô thị dựa trên nền tảng chủ yếu là phát triển kinh tế. Trong đó, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ là động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư đô thị và các vùng phụ cận. Đồng thời, bảo đảm sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, huyện Thạch Thành tập trung huy động tối đa các nguồn lực để từng bước mở rộng không gian và xây dựng hệ thống đô thị có hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp tại các đô thị và thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trong nước để mở rộng quy mô đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo công nhân có tay nghề cao gắn với bố trí việc làm sau đào tạo. Trong đó, tập trung ưu tiên đào tạo những ngành nghề mà nền kinh tế có nhu cầu, như: dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng, triển khai chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để khôi phục các ngành nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới cho người lao động.


Theo báo Thanh Hóa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)