Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, dự báo dân số, lao động tại các địa phương sẽ có sự chuyển dịch, tăng thêm từ 6-10%.
Đến năm 2020, Hải Dương dự kiến điều chỉnh tăng diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 28,5 m2 sàn/người (đô thị đạt 35m2 sàn/người, nông thôn đạt 27 m2 sàn/người); diện tích sàn nhà ở phát triển tăng thêm trên 20,4 triệu m2; tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt trên 62 triệu m2. Thời gian tới, Hải Dương từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân gồm: nâng cao tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố tiến tới xóa bỏ nhà thiếu kiên cố; tăng số mét vuông sàn nhà ở bình quân đầu người.
Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân phù hợp với thực tiễn vận hành và đảm bảo bình ổn thị trường bất động sản nhà đất. Đối với mục tiêu phát triển nhà ở cho các nhóm đối tượng xã hội, giai đoạn 2015-2020, Hải Dương không xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công vụ do đặc thù của tỉnh.
Tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để đạt mục tiêu phát triển nhà cho nhóm đối tượng xã hội khác. Đối với phát triển nhà ở thương mại, Hải Dương dự kiến xây dựng mới trên 13,1 triệu m2 sàn nhà ở các khu dân cư, khu đô thị mới, điểm dân cư nông thôn. Tổng diện tích đất tối đa toàn tỉnh bổ sung cho chương trình phát triển nhà đến năm 2020 của Hải Dương là 516,23ha.
Tỉnh tính toán nguồn cung quỹ đất ở tại các dự án khu dân cư, khu đô thị, điểm dân cư nông thôn ở các địa phương không vượt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Để từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân, tỉnh tính toán nhu cầu phát triển đất ở khu vực đô thị mật độ 80%, chiều cao nhà trung bình 2,5 tầng; khu vực nông thôn mật độ xây dựng khoảng 60 - 70%, chiều cao nhà trung bình 1,5 tầng.
Ở các địa phương, theo tính toán, quỹ đất ở đã và đang triển khai đã vượt nhu cầu tối đa, lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu chỉ bổ sung vào kế hoạch những dự án có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh chỉ cho phép một số dự án đặc thù như khu đô thị, du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng... với tầm cỡ, quy mô và sức thu hút cấp vùng, cấp quốc gia được tính toán thêm lượng đất ở ngoài nhu cầu đất ở của địa phương...
Theo ông Trịnh Nam Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đến ngày 1/4/2019, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 26,8 m2 sàn/người (trong đó, khu vực đô thị đạt 33,7 m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 25,1 m2 sàn/người). Tổng diện tích nhà ở của Hải Dương hiện đạt trên 50,9 triệu m2, vượt mức dự báo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 theo chương trình (Chương trình đã phê duyệt là trên 50,1 triệu m2). Hết năm 2019, Hải Dương cơ bản hoàn thành đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, việc giải quyết chỗ ở cho nhóm các đối tượng xã hội như: hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Đối với mục tiêu phát triển nhà thương mại, giai đoạn 2016-2019, Hải Dương đã xây dựng mới trên 7,2 triệu m2 sàn nhà ở, vượt 127% so với mức mục tiêu phấn đấu đến năm 2020.
Theo đại diện Sở Xây dựng, hiện chương trình phát triển nhà ở của Hải Dương vẫn bộc lộ một số bất cập như chỉ tiêu nhà ở cho các nhóm đối tượng xã hội chưa đạt. Diện tích đất ở thương mại chưa xây dựng nhà ở tại các khu dân cư, khu đô thị, điểm dân cư nông thôn còn tồn khá lớn nhưng các địa phương vẫn tiếp tục triển khai nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư vượt nhu cầu tính toán. Nguyên nhân của việc tồn tại bất cập về chỉ tiêu nhà ở cho các nhóm đối tượng xã hội do các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm vì số vốn đầu tư lớn, thời hạn thu hồi vốn dài và rủi ro cao.
Đối với nhà ở công vụ, tỉnh chưa đầu tư giai đoạn này do không có trường hợp cán bộ Trung ương luân chuyển về; các trường hợp luân chuyển từ tỉnh xuống cơ sở đều có thể đi về trong ngày. Đối với nhà ở sinh viên, tỉnh đã xây dựng 2 cụm ký túc xá nhưng khai thác chưa hiệu quả. Việc phát triển quỹ đất thương mại lớn do kinh tế - xã hội phát triển ổn định, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng. Các địa phương đẩy mạnh đầu tư các dự án khu dân cư, điểm dân cư mới để có vốn xây dựng nông thôn mới; việc lập chương trình phát triển nhà ở các địa phương chưa phù hợp với thực tiễn...
Tại buổi làm việc, Đoàn thẩm định đề nghị, trong thời gian tới, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh siết chặt quy hoạch sử dụng đất và phê duyệt chủ trương đầu tư, nhất là xây dựng quy hoạch của các dự án khu đô thị, khu, điểm dân cư; tránh việc quy hoạch các khu, điểm dân cư mới nhất là ở khu vực nông thôn một cách manh mún, không có diện tích phát triển nhà cho người có thu nhập thấp.
Đến hết năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, Hải Dương cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương trong xây dựng quy hoạch phát triển nhà ở sát với thực tế, phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh./.
Theo TTXVN