Hà Nội-Hà Tĩnh: Tăng cường trao đổi để hỗ trợ phát triển

Thứ hai, 02/12/2019 13:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 30/11, Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa hai địa phương và cụ thể hóa kết luận về chương trình hợp tác, phát triển giữa TP. Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Nội-Hà Tĩnh: Tăng cường trao đổi để hỗ trợ phát triển. Ảnh: Gia Huy

Phát huy lợi thế của hai địa phương

Đánh giá của hai địa phương cho thấy, thời gian qua, Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh đã có một số hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên các lĩnh vực: Xúc tiến đầu tư, thúc đẩy thương mại; tăng cường trao đổi, hỗ trợ trong các lĩnh vực du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào khu vực bị thiên tai, bão lũ...

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, hai tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực như: Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục - thể thao… Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 21 dự án đầu tư của doanh nghiệp và nhà đầu tư Hà Nội với tổng vốn đăng ký 37.700 tỷ đồng.

Những kết quả hợp tác đạt được đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương. Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa Hà Nội và Hà Tĩnh trong một số lĩnh vực còn hạn chế; quy mô, mức độ hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai địa phương.

Để tăng cường việc hợp tác giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tới theo hướng toàn diện, hiệu quả; phát huy lợi thế, tiềm năng, cùng nhau phát triển, Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Tĩnh thống nhất tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung hợp tác cụ thể, thống nhất hợp tác phát triển toàn diện, phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị hai địa phương trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tăng cường thông tin, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực để hỗ trợ nhau phát triển.

Tăng cường chia sẻ trên nhiều lĩnh vực

Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết động lực tăng trưởng của Hà Tĩnh hiện nay là khu kinh tế Vũng Áng, thu hút dự án điện khí, phát triểu khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; sản xuất nông nghiệp gắn với nông thôn mới... Kinh tế Hà Tĩnh phục hồi, duy trì tăng trưởng cao và chuyển dịch đúng hướng sau sự cố môi trường biển. Hà Tĩnh hiện có 2 khu kinh tế (Khu kinh tế Vũng Áng và Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo); 25 khu, cụm công nghiệp; có Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với 59 cầu cảng.

Đến nay, Hà Tĩnh đã có trên 7.500 doanh nghiệp, gần 6 vạn hộ kinh doanh; đã thu hút được trên 1.300 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 370.000 tỷ đồng tương đương trên 16 tỷ USD; là tỉnh đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 70 dự án có tổng vốn đầu tư gần 13 tỷ USD.

Tại hội nghị, Hà Tĩnh nêu đề nghị Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng giới thiệu các doanh nghiệp của thành phố Hà Nội khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Hà Tĩnh, đặc biệt là tại Khu Kinh tế Vũng Áng về: Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, chế biến nông, lâm, thủy sản; thương mại, dịch vụ và logistics gắn với hoạt động khai thác cảng biển; lĩnh vực du lịch, đô thị du lịch, kết nối tour tuyến du lịch giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh; lĩnh vực công nghệ thông tin; phát triển đô thị thông minh; nước sạch.

Bên cạnh đó chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Giới thiệu các doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị phân phối của Hà Nội có uy tín hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản của Hà Tĩnh, nhất là các sản phẩm OCOP. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Hà Tĩnh liên kết sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng cao của tỉnh Hà Tĩnh tại Hà Nội...

Tại hội nghị, hai địa phương thống nhất tăng cường trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực là thế mạnh và sự quan tâm của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đặc biệt là hợp tác trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cụ thể là về: Cơ chế chính sách; xúc tiến, thu hút đầu tư; lĩnh vực nông nghiệp, Công Thương, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, những năm qua Hà Nội chú trọng phát triển văn hóa. Cụ thể như đưa văn hóa các tỉnh, thành phố về Thủ đô thông qua tổ chức các lễ hội, tuần văn hóa các tỉnh tại Hà Nội, qua đó quảng bá văn hóa, nông lâm, thủy hải sản... của các địa phương gắn liền với không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội. Chủ tịch Hà Nội đề xuất, năm 2020 hai địa phương phối hợp tổ chức ngày văn hóa và lễ hội nhân dịp 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du; bên cạnh đó kết hợp chọn tổ chức các sự kiện văn hóa khác gắn liền với lịch sử, văn hóa hai địa phương.

Tỉnh Hà Tĩnh cho rằng Hà Nội có thể chia sẻ với Hà Tĩnh về kinh nghiệm quản lý nhà nước trên các lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh như quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng đô thị thông minh, triển khai Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, quản lý doanh nghiệp sau đăng ký, quản lý thuế, quản lý thị trường; kinh nghiệm về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư, đầu tư hợp tác công - tư (PPP), khai thác nguồn lực đầu tư từ quỹ đất.

Ngoài ra, chia sẻ kinh nghiệm về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập ra ngoài khu vực nhà nước; tinh giản biên chế, thi tuyển công chức và kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị; chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực phát triển của hai địa phương, đồng thời bày tỏ ấn tượng với sự phát triển vượt bậc của Hà Tĩnh trong thời gian qua dù tỉnh có nhiều khó khăn, đã đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng năm 2018 đạt trên 20%.

Đối với việc hợp tác giữa hai địa phương, bên cạnh 4 nội dung về xây dựng đảng, 8 nội dung hợp tác hát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, tại hội nghị Hà Nội và Hà Tĩnh đã xác định thêm một số nội dung cần hợp tác. Chính vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị hai địa phương phối hợp, cụ thể hóa kết quả hợp tác báo cáo Ban thường vụ của hai bên. Đối với hợp tác, trao đổi về cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao cho các sở, ngành liên quan của Hà Nội phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh để hai bên tiếp tục học tập, trao đổi kinh nghiệm trong thời gian tới.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)