“Đô thị có tính chất đặc thù về di sản”.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trong tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; phát huy được vai trò, vị thế của tỉnh với định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển đô thị Huế cũng còn nhiều hạn chế, trong đó tiêu chuẩn khó khắc phục nhất chủ yếu liên quan đến quy mô và mật độ dân số.
Qua nghiên cứu và đánh giá của các cơ quan chuyên môn, việc tập trung đẩy mạnh quy mô dân số để đảm bảo theo quy định chưa phù hợp với định hướng phát triển của đô thị Huế.
Việc phát triển quá mức quy mô dân số có thể sẽ tác động tiêu cực đến các di sản của đô thị Huế. Do đó, việc nghiên cứu đề xuất tiêu chí cho đô thị có tính chất đặc thù về di sản cho đô thị Thừa Thiên Huế là cần thiết.
Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) là đơn vị tư vấn cho Thừa Thiên Huế xây dựng Bộ Tiêu chí đô thị di sản. Thông qua hội thảo, Thừa Thiên Huế tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và các nhà nghiên cứu văn hóa Huế để hoàn thiện bộ tiêu chí phù hợp.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam và quốc tế vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về đô thị di sản. Tùy theo các mục tiêu khác nhau mà các tổ chức đưa ra tiêu chí cho các đô thị di sản khác nhau. Tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Kiến trúc Quốc gia đã đề xuất giải quyết ba vấn đề, gồm: Phương án phát triển đô thị Thừa Thiên Huế thành “đô thị di sản” hay “đô thị có tính chất đặc thù về di sản”; đề xuất sơ bộ bộ tiêu chí đánh giá đô thị có tính chất đặc thù về di sản phù hợp với điều kiện của đô thị Thừa Thiên Huế; bổ sung các nội dung vào quy định về phân loại đô thị có tính chất đặc thù về di sản, đảm bảo thuận lợi, phù hợp với đô thị Thừa Thiên Huế trong việc đề nghị công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I.
TS.KTS. Đỗ Thanh Tùng, Viện Trưởng Viện Kiến trúc quốc gia
Trong hai phương án trên, Viện Quy hoạch kiến trúc quốc gia đề xuất Thừa Thiên Huế chọn lựa phương án 2: Đề xuất Trung ương công nhận Thừa Thiên Huế là “đô thị có tính chất đặc thù về di sản”.
Theo phương án này, đề xuất bổ sung tiêu chí đô thị đặc thù về di sản trong Nghị quyết 1210 để áp dụng cho đô thị Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo phương án này, Viện cũng đề nghị Thừa Thiên Huế 5 việc, gồm:
Thứ nhất, nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí đô thị có tính chất đặc thù về di sản;
Thứ hai, đề xuất Quốc hội bổ sung tiêu chí xác định đô thị có tính chất đặc thù về di sản và bổ sung quy định: “Đối với đô thị có tính chất đặc thù di sản thì tiêu chí quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 50% mức quy định; các tiêu chí khác phải đảm bảo mức quy định của loại đô thị tương ứng”;
Thứ ba, lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế với phạm vi ranh giới toàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm cơ sở để đầu tư phát triển đô thị và làm cơ sở để đánh giá phân loại đô thị;
Thứ tư, lập chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị để thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng khắc phục các tiêu chí còn thiếu, còn yếu về phân loại đô thị;
Thứ năm, đề xuất với trung ương các cơ chế chính sách đặc thù để quản lý, bảo tồn di sản và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Khẳng định giá trị riêng có của di sản văn hóa Huế
Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà nghiên cứu văn hóa Huế đều thống nhất đề nghị Thừa Thiên Huế lựa chọn phương án 2: “Đề xuất đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị có tính chất đặc thù về di sản”.
Tuy nhiên, trên cơ sở những nội dung đã được Viện Quy hoạch kiến trúc quốc gia tham vấn, đề xuất, các chuyên gia kiến nghị Thừa Thiên Huế cần quan tâm nhiều hơn nữa đến tính chất đô thị di sản cận đại đầu thế kỷ XX của Thừa Thiên Huế, vấn đề kinh tế biển, cây xanh đô thị và đặc biệt là yếu tố văn hóa phi vật thể của Huế.
Festival Huế góp phần khẳng định và quảng bá các giá trị văn hóa Huế. Ảnh: Thanh Toàn
GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh nhấn mạnh: Để thuyết phục Quốc hội, thuyết phục Trung ương đồng thuận công nhận đô thị Thừa Thiên Huế thành đô thị có tính chất đặc thù về di sản, thì đề nghị bổ sung thật đầy đủ những yếu tố liên quan đến văn hóa Huế - Văn hóa Phú Xuân và làm rõ đó là điểm mạnh của Huế mà không nơi nào có được. Bên cạnh những di sản Văn hóa đã được xếp hạng, Thừa Thiên Huế vẫn còn rất nhiều giá trị văn hóa tinh thần khác rất độc đáo, riêng có nhưng vẫn chưa được quan tâm gìn giữ một cách hợp lý và thỏa đáng. Do đó, cùng với việc xây dựng bộ tiêu chí về đô thị di sản, Thừa Thiên Huế thực hiện song song ngay việc gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mất đi.
Bày tỏ nhiều ý kiến tâm huyết, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng đề xuất Thừa Thiên Huế cần nhấn mạnh hơn những giá trị di sản riêng có của Thừa Thiên Huế, như: Nhã nhạc, ca Huế… Đồng thời, cần soát xét lại toàn bộ số liệu liên quan đến đô thị, như: dân số và hạ tầng.
Ông nói: “Vấn đề lớn nhất, theo tôi là yếu tố kinh tế đô thị, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách và khả năng cân đối ngân sách địa phương của Thừa Thiên Huế còn yếu. Thừa Thiên Huế cần lưu ý đến việc cải thiện đời sống, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập của người dân theo hướng phát triển kinh tế dịch vụ đô thị, dịch vụ văn hóa du lịch. Đồng thời, nói rõ nếu Thừa Thiên Huế được công nhận là đô thị di sản trực thuộc trung ương sẽ là một động lực quan trọng, tạo cú hích lịch sử để Thừa Thiên Huế bước vào thời kỳ phát triển mới”.
Tạo sự đồng thuận
Nhà báo Minh Tự (báo Tuổi trẻ) cũng đồng thuận với ý kiến của ông Nguyễn Xuân Hoa về việc nói ý nghĩa của việc xây dựng bộ tiêu chí đô thị di sản và việc Thừa Thiên Huế được công nhận là đô thị trực thuộc Trung ương.
Theo nhà báo Minh Tự, vấn đề xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã là câu chuyện được nói nhiều, bàn nhiều từ 10 năm nay. Nhưng cho đến nay, vẫn còn một bộ phận không ít người dân vẫn chưa hiểu rõ chủ trương này. Do vậy, cần thiết đẩy mạnh tuyên truyền và nói rõ câu chuyện này, chủ trương này để đại bộ phận người dân Thừa Thiên Huế được hiểu và có sự đồng thuận cùng lãnh đạo tỉnh.
Bờ Bắc sông Hương nhìn từ trên cao. Ảnh: Nông Thanh Toàn
Tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nói rõ: Vấn đề xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được chúng ta thực hiện và rút kinh nghiệm 10 năm nay. Lần này, chúng ta tiếp tục thực hiện chủ trương này một cách bài bản hơn, hiện thực hơn và mang tính chất pháp lý cao hơn. Việc tham vấn ý kiến lần này không phải chỉ để xây dựng các tiêu chí của một đô thị di sản cho riêng Huế, mà là cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi tiêu chí phân loại đô thị tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, xem xét lấy tỉnh Thừa Thiên Huế làm mô hình điển hình.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Nếu Thừa Thiên Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên những tiêu chí về đô thị di sản thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tạo cho Huế một vị thế ngang tầm với 5 đô thị trực thuộc Trung ương hiện nay và ngang tầm với vị thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng quay trở lại bảo tồn di sản, cũng là cơ hội để giải quyết những mâu thuẫn muôn thủa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa trầm lắng của người Huế với sự năng động đổi mới sáng tạo. Dù việc này mất bao nhiêu thời gian nữa thì cũng luôn khẳng định một quan điểm thống nhất rằng: Thừa Thiên Huế luôn xuyên suốt một mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân, chất lượng đô thị và bảo tồn các giá trị của di sản văn hóa. Những năm tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục tập trung cho phát triển, đầu tư nâng cao mức sống theo hướng đô thị di sản, văn hóa, thân thiện môi trường và thông minh.
Theo baothuathienhue.vn