Từ năm 2012 đến nay, mạng lưới đô thị trên toàn tỉnh được mở rộng lên 24 đô thị gồm: 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III và 22 đô thị loại V, với dân số đô thị đạt 362 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 34%, tăng 11% so với năm 2012 và tương đương mức trung bình của cả nước. Riêng năm 2016 và quý I/2017, tỉnh tiếp tục đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng đô thị tại thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên; đầu tư thêm các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại 2 huyện: Bình Xuyên và Vĩnh Tường từng bước đáp ứng các tiêu chí đô thị loại IV. Ưu tiên dành nguồn lực cho các xã: Nguyệt Đức (Yên Lạc); Hải Lựu, Đức Bác, Lãng Công ( Sông Lô); Hợp Lý, Văn Quán, Bản Giản, Xuân Lôi (Lập Thạch) nhằm đáp ứng tiêu chí của đô thị loại V.
Công tác đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng xã hội được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 62 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 21 dự án nhà ở xã hội, với diện tích 43ha, cung cấp hơn 9.200 căn hộ. Quy mô mạng lưới trường học từ bậc mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập được tập trung đầu tư theo chiều sâu, đạt chuẩn quốc gia. Các trung tâm giáo dục đào tạo được phát triển tập trung tại Vĩnh Yên, Phúc Yên, Tam Dương và chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị đại học; dự án trường chuyên chất lượng cao. Mạng lưới y tế được củng cố và nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Các khu du lịch, khu vui chơi công cộng như Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc, công viên quảng trường… được đầu tư không chỉ tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Phúc, với không gian sạch, đẹp, thông thoáng mà còn đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước về quản lý đô thị, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát và điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển KT-XH; tổ chức lập các quy hoạch mới đảm bảo và phù hợp từng giai đoạn phát triển đô thị. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 23 đồ án quy hoạch phân khu, 6 đồ án quy hoạch chung, 3 đồ án quy hoạch vùng, 9 đồ án quy hoạch chung đô thị loại V với tỷ lệ 100% phủ kín quy hoạch chung các đô thị và quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc và đang chỉ đạo tổ chức lập 5 đồ án quy hoạch chung đô thị loại V các xã: Hoàng Đan (Tam Dương); Đại Đình (Tam Đảo); Nguyệt Đức (Yên Lạc); Xuân Lôi, Đức Bác (Sông Lô) làm cơ sở triển khai đầu tư và phân loại đô thị. Riêng trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt 23 đồ án quy hoạch khu du lịch, dịch vụ; 27 đồ án quy hoạch khu, cụm công nghiệp…
Với quan điểm, hạ tầng phải đi trước một bước, giai đoạn 2013-2017, tỉnh dành hơn 5.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông thuộc hạ tầng khung đô thị; hơn 560 tỷ đồng hệ thống lưới điện, cấp nước đô thị và 410 tỷ đồng hệ thống thông tin và truyền thông, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh và đảm bảo hạ tầng cho thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai.
Bên cạnh đó, hệ thống không gian cây xanh tại khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo, núi Đinh, núi Trống, khu trung tâm lễ hội Tây Thiên, khu văn Miếu, các khu cây xanh tập trung và các trục đường trong đô thị đều được bảo vệ và trồng thêm, bước đầu tạo được môi trường, cảnh quan xanh, sạch đẹp tại các khu trung tâm đô thị. Riêng thành phố Vĩnh Yên đang chuẩn bị đầu tư thêm một công viên cây xanh tại phường Liên Bảo với quy mô 20ha….
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, trong giai đoạn 2012-2015, việc xây dựng phát triển thị xã Phúc Yên trở thành thành phố Phúc Yên theo kế hoạch chưa được hoàn thành; dân số đô thị thấp, chưa đạt 0,45 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 34%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra (38-40%). Tiến độ đầu tư và thu hút đầu tư vào các KCN: Sơn Lôi, Chấn Hưng, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II còn chậm, chưa đạt yêu cầu về tỷ lệ lấp đầy. Một số chỉ tiêu về lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao du lịch chưa đạt theo kế hoạch đề ra của nghị quyết. Cụ thể, chưa xây dựng xong Khu liên hiệp thể thao; Bệnh viện Sản Nhi; nhà điều trị nội trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án.
Từng bước xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh, đảm bảo đồng bộ, hài hòa với nông thôn, có cơ cấu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo mô hình quy hoạch xây dựng vùng tỉnh “Nhất thể hóa đô thị - nông thôn”, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng phát triển hoàn chỉnh thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên theo quy hoạch; đầu tư xây dựng các khu vực huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường đạt tiêu chí đô thị loại V; hoàn thiện đồ án quy hoạch chung của các xã sẽ là đô thị loại V, làm cơ sở đầu tư đô thị theo chương trình phát triển đô thị được phê duyệt. Thu hút các nguồn vốn xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông khung của tỉnh, 10 tuyến hướng tâm, 5 đường vành đai gắn kết hệ thống đô thị với các vùng nông thôn. Chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tăng hiệu quả thu hút đầu tư…
Theo báo Vĩnh Phúc