Quyết định số 22 quy định về Quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn thành phố vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành, thay thế Quyết định 150 ngày 9-6-2004, đã mở ra cơ hội cho hơn 16 nghìn trường hợp nhà ở, công trình tồn tại trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch được sửa chữa, cấp chủ quyền nhà đất và chỉnh trang bộ mặt đô thị.
Nhà ven sông khu vực kênh Đôi-kênh Tẻ, quận 8.
Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố, trên địa bàn thành phố có hơn 18 nghìn trường hợp nhà ở, công trình tồn tại trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch. Khu vực tồn tại nhiều nhà nằm ven kênh rạch là địa bàn quận 8 với quy mô hơn 5.600 căn kéo dài suốt tuyến kênh Đôi. Do đó, Quyết định số 22 của UBND thành phố ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý hành lang kênh rạch, cấp phép xây dựng nhà ở, đáp ứng nhu cầu sửa chữa nhà ở của người dân khi Nhà nước chưa thực hiện quy hoạch.
Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 8 Trần Phát Tấn cho biết: Tất cả khu vực kênh Đôi đều nằm trong chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị từ nay đến năm 2020 mà chính quyền thành phố đang tập trung thực hiện (thuộc chương trình di dời hơn 20 nghìn căn nhà nằm trên và ven kênh rạch tại các quận, huyện). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, người dân vẫn có nhu cầu sinh sống ổn định và bảo đảm về nhà ở nên chính quyền địa phương vẫn phải giải quyết cấp phép cho họ sửa chữa nhà khi có nhu cầu. Nếu như theo Quyết định 150, việc sửa chữa nhà nằm trong hành lang bảo vệ trên bờ vào đất liền 20 m phải bảo đảm theo đúng hiện trạng thì với Quyết định 22, thành phố cho phép cải tạo thay thế bằng vật liệu mái tôn, ngói, tường gạch. Cũng liên quan đến phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ nhưng nằm ngoài phạm vi từ mép bờ cao vào trong bờ 20 m (đối với sông, kênh, rạch từ cấp I đến cấp IV) thì người dân được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc được cấp phép để xây dựng lại nhà mới với quy mô hai tầng (không kể tầng lửng và mái che thang), chiều cao tối đa 12,2m so với cốt vỉa hè hoàn thiện; trong khi nội dung quy định của Quyết định 150 trước đây chỉ xây dựng quy mô một tầng. “Dù thành phố có “mở” trong công tác cấp phép, sửa chữa nhà tạm, nhà lụp xụp nhưng nhìn chung việc cấp phép xây dựng vẫn là cấp phép có thời hạn, người dân sẽ không được đền bù khi nhà nước thực hiện thu hồi đất để triển khai dự án”, đại diện Phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng cho biết.
Không chỉ tạo điều kiện về cải tạo nhà ở đối với nhà cấp 4, nhà bán kiên cố nằm trong hành lang, trên kênh rạch thuộc khu vực quy hoạch mà Quyết định 22 còn “cởi trói” với các dự án phát triển nhà ở (nằm trong hành lang bảo vệ trên bờ) đã có đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt trước ngày 24-6-2004. Theo đó, đối với các công trình đã xây dựng hoàn chỉnh theo Giấy phép xây dựng hoặc theo đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc theo dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh) thì được phép duy trì nguyên hiện trạng theo đúng vị trí và quy mô công trình đã xây dựng theo các cơ sở pháp lý nêu trên. Trường hợp cần giải tỏa, thu hồi đất để xây dựng các công trình khác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền thì được xem xét bồi thường theo quy định. Sở Xây dựng thành phố cho biết, quận 2 là địa phương có nhiều dự án nhà ở nằm ven sông và bờ kênh nên khi áp dụng quy định của Quyết định 22 sẽ có rất nhiều công trình được giải quyết cấp giấy chứng nhận nhà đất do “lấn cấn” của Quyết định 150 trước đây.
Ủy ban nhân dân thành phố lưu ý, đối với các trường hợp công trình đang đầu tư xây dựng không đúng giấy phép xây dựng hoặc không đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm hành lang bảo vệ trên bờ và trong thời hạn tiến độ đã được quy định trong giấy phép xây dựng; hoặc trong quyết định duyệt dự án đầu tư; hoặc trong văn bản chấp thuận dự án đầu tư; hoặc trong văn bản kê khai đăng ký tình hình đầu tư của doanh nghiệp đã được chấp nhận có xác nhận của UBND quận, huyện thì Sở Xây dựng phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND quận, huyện rà soát, thống kê, báo cáo rõ thực trạng các dự án, công trình, đề xuất biện pháp xử lý, trình UBND thành phố xem xét, quyết định.
Theo báo Nhân dân điện tử