Đồng Văn (Vĩnh Phúc): Lựa chọn công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải

Thứ ba, 19/03/2019 14:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mỗi ngày, lò đốt rác tập trung xã Đồng Văn (Yên Lạc) tiếp nhận khối lượng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp quá lớn nên thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Để giải quyết vấn đề rác thải nông thôn, Đảng ủy, UBND xã Đồng Văn đã đi tham quan, rút kinh nghiệm các mô hình xử lý rác ở một số địa phương và quyết định đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt rác công nghệ mới theo hướng thân thiện với môi trường.

Lò đốt rác tập trung xã Đồng Văn (Yên Lạc) luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh Thanh Tuyền

Lò đốt rác tập trung của xã Đồng Văn rộng hơn 2.000m2, nằm trên cánh đồng Chằm, thôn Đồng Lạc (tỉnh lộ 304 giao với quốc lộ 2C). Ngoài lượng chất thải sinh hoạt của gần 14.000 nhân khẩu, lò đốt của địa phương còn phải nhận một số lượng lớn rác thải công nghiệp của các hộ kinh doanh phế liệu, “mổ” máy móc công trình đã qua sử dụng. Mỗi ngày, bãi rác của địa phương phải tiếp nhận và xử lý khoảng 17-19 tấn rác.

Do lò đốt rác thủ công đã lạc hậu và quá tải, thời gian qua, địa phương phải sử dụng phương pháp đốt rác thải trực tiếp, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của người dân xã Đồng Văn và các xã lân cận. Nhiều lần đi qua tỉnh lộ 304, chúng tôi tận mắt chứng kiến rác chất thành đống cao, được đốt cả ngày lẫn đêm tạo ra những làn khói đen mù mịt, mùi khét lẹt, quẩn quanh khu dân cư. Khói đen bám cả vào cây cối và máy móc của các hộ kinh doanh. Nhiều hộ ở gần lò đốt rác luôn phải trong tình trạng cửa đóng, then cài.

Anh Nguyễn Văn Tú, trú tại thôn Đồng Lạc, xã Đồng Văn bức xúc: Rác được đốt cả đêm lẫn ngày, hôm nào trời trở gió thì khói đen và mùi khét bay khắp các tuyến đường, nhà dân gần bãi rác và các trường học. Ngày nắng,rác bốc mùi hôi, thối nồng nặc. Do thường xuyên phải sống và sinh hoạt trong bầu không khí bị ô nhiễm nên nhiều người dân sống xung quanh lò đốt rác, nhất là người già, trẻ nhỏ thường bị ho, viêm xoang, viêm phế quản… Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành sớm vào cuộc khắc phục tình trạng trên, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân.

Đồng chí Trần Ngọc Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn thừa nhận, địa phương phải sử dụng phương thức đốt rác trực tiếp trong nhiều tháng qua do lò đốt rác được tỉnh đầu tư từ năm 2015 đã quá tải, lỗi thời. Đồng chí cũng nhấn mạnh, địa phương đã đưa ra phương án giải quyết triệt để vấn đề này là xây dựng lò đốt rác công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường. Sau nhiều phản ánh của người dân, Đảng ủy, chính quyền coi vấn đề giải quyết rác thải là nhiệm vụ bức thiết và cấp bách.

Tháng 12/2018, lãnh đạo địa phương và các cán bộ chủ chốt của các thôn đã đi tham quan mô hình xử lý rác thải bằng hình thức lò đốt rác thân thiện với môi trường tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, đi vào hoạt động có hiệu quả nhiều năm qua. Hệ thống lò đốt rác này sử dụng công nghệ tự sinh nhiệt để đốt lò, không phụ thuộc vào nguồn năng lượng khác, với công suất đốt 25 tấn/ngày. Đặc biệt, với tính ưu việt, trực quan mọi người nhìn không có khói mà chỉ có hơi nước lờ mờ bay ra, giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường và tận dụng được để làm phân bón. Hệ thống lò đốt rác chỉ sử dụng một phần nhỏ diện tích chung để xử lý rác thải, phần còn lại được quy hoạch thành công viên cây xanh và các công trình xã hội phục vụ cho người dân địa phương.

Dự kiến, đầu quý III/2019, xã Đồng Văn sẽ giải phóng thêm 3.000m2 diện tích đất lân cận để mở rộng diện tích bãi rác tập trung, khởi công xây dựng lò đốt rác công nghệ mới thân thiện với môi trường, với kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa.

Song song với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính cho việc xây dựng lò đốt rác thải thân thiện với môi trường, Đảng ủy, UBND xã Đồng Văn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ kinh doanh hạn chế thu mua những mặt hàng có nhiều thành phần không thể tái chế; không đổ, đốt trộm rác bừa bãi; thực hiện đóng phí thu gom, xử lý rác thải làng nghề; tổ chức phân loại, lưu giữ, xử lý rác thải công nghiệp, rác thải phát sinh từ hoạt động tái chế phế liệu; chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thực tế, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do chôn lấp rác thải, xã Trung Nguyên là địa phương giáp ranh với xã Đồng Văn đã lập Tờ trình và được UBND huyện Yên Lạc đồng ý chủ trương quy hoạch địa điểm đầu tư xây dựng lò đốt rác thải rộng hơn 5.000m2 theo công nghệ thân thiện với môi trường, với kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa. Đến nay, địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đưa máy móc về lắp đặt, dự kiến, cuối tháng 4/2019 sẽ đưa vào sử dụng, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân.

Việc đưa công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mà còn có thể tạo ra những sản phẩm hữu ích cho người dân.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)