Khi mới nâng cấp từ thị xã lên thành phố, không gian đô thị Nha Trang còn nhỏ bé, nghèo nàn, chỉ tập trung ở một số tuyến phố trung tâm. Bước vào thời kỳ đổi mới, Nha Trang phát triển nhanh hơn với nhiều dự án, công trình. Trong tiến trình phát triển, năm 1999, TP. Nha Trang được công nhận đô thị loại II và đến năm 2009 được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh chóng; diện mạo và hệ thống hạ tầng đô thị của thành phố đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là hạ tầng giao thông phát triển khá toàn diện. Nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị mới như: Vĩnh Điềm Trung, VCN Phước Hải, Phước Long, Lê Hồng Phong 1, Lê Hồng Phong 2, Mỹ Gia, An Bình Tân… đã và đang triển khai với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, góp phần làm đẹp thêm cho hình ảnh đô thị du lịch biển văn minh, thân thiện. Đến cuối năm 2015, TP. Nha Trang đã được phủ kín quy hoạch phân khu 1/2000; một số khu vực thuộc các phường nội thành đã được triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, khu chức năng đã và đang phát huy hiệu quả, đảm bảo định hướng phát triển của thành phố trong tương lai.
Theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2025, toàn tỉnh Khánh Hòa là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trong đó, TP. Nha Trang được chia tách thành 3 quận nội thành. Còn Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP. Nha Trang đến năm 2020 xác định xây dựng Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.
Theo đó, về phát triển dịch vụ, du lịch và khu đô thị, sẽ triển khai xây dựng Khu trung tâm thương mại - đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang và Khu đô thị hành chính tỉnh theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020, đạt 50% số dự án du lịch đã cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động, bao gồm: khu vực đảo tây nam Hòn Tre, Hòn Một, Trí Nguyên, dọc đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng… Bên cạnh đó, triển khai đầu tư xây dựng khu dân cư dọc bờ nam sông Cái và các khu dân cư, khu đô thị phía tây Nha Trang khớp nối với Diên Khánh như: khu dân cư Hưng Thịnh, khu đô thị Phúc Khánh… nhằm giãn dân nội thành, hình thành các đô thị vệ tinh và phát triển ven sông. Đồng thời, đầu tư xây dựng Cảng Nha Trang thành cảng hành khách và tổ hợp dịch vụ để phát triển du lịch, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, vận hành cảng hiệu quả.
Về hạ tầng giao thông, hoàn thành dự án đường Phong Châu, đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, các tuyến đường kết nối khu vực sân bay Nha Trang cũ; trục đường Bắc - Nam Khu trung tâm hành chính mới, các tuyến đường trong khu vực phía tây Lê Hồng Phong… Về hạ tầng đô thị, sẽ hoàn thành các công trình hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đầu sông Tắc, chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường, hệ thống thoát nước mưa khu vực Nam Hòn Khô (giai đoạn 2), Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh, Dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - tiểu dự án TP. Nha Trang giai đoạn 2. Ngoài ra, hoàn thành các khu tái định cư: Hòn Rớ II, Phước Hạ, Lê Hồng Phong III, Ngọc Hiệp...
Theo ông Nguyễn Văn Danh, trong thời gian tới, TP. Nha Trang sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh điều chỉnh cục bộ 13 khu vực và quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 cho phù hợp với tình hình phát triển. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Nha Trang sẽ phát triển thành trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế.
Theo báo Khánh Hòa