Bãi rác tạm quá tải, lò đốt hiệu quả thấp
Tại bãi rác thải trên địa bàn thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy), rác được tập kết và đổ tràn lan, nổi bồng bềnh trên mặt nước, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Trong số 5 bãi rác của xã, bãi rác ở thôn Tam Kiệt chưa được xử lý. Phó chủ tịch HĐND xã Nguyễn Văn Thọ cho biết, ngoài việc thiếu kinh phí xử lý bãi rác tạm, xã không còn quỹ đất để xây dựng bãi rác tạm tập trung của xã. Việc bố trí quỹ đất rất khó khăn vì xã triển khai dồn điền, đổi thửa, không thể bố trí diện tích đủ cho bãi rác tập trung của xã.
Bãi rác ở thôn Tam Kiệt là một trong 35 bãi rác tạm ở các xã trên địa bàn thành phố chưa được xử lý. Trong đó, Kiến Thụy còn 5 bãi rác; Vĩnh Bảo còn 10 bãi rác ở một số xã và Cát Hải còn 1 bãi rác. Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp - PTNT đôn đốc các xã khẩn trương xử lý bãi rác theo đúng quy trình, bảo đảm môi trường khu vực chung quanh. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, trên địa bàn 7 huyện của thành phố, 101 xã có bãi rác với tổng số 156 bãi rác tạm, trong đó có 140 bãi rác được xử lý. Việc xử lý các bãi rác tạm ở các xã còn nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến môi trường vì kinh phí duy trì cho hoạt động này hạn chế, các xã luôn gặp áp lực khi vừa phải bảo đảm thu gom, vận chuyển, vừa phải xử lý rác ở các bãi rác tạm trên địa bàn. Mặt khác, việc một xã có nhiều bãi rác tạm như hiện nay cũng chưa phù hợp, dễ gây ô nhiễm môi trường do hạn chế trong khâu xử lý rác.
Một giải pháp trong xử lý rác thải nông thôn đang được triển khai thí điểm, đó là 5 lò đốt rác được đầu tư và đưa vào sử dụng tại các xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), thị trấn Vĩnh Bảo, xã Quốc Tuấn (huyện An Lão), xã Phục Lễ, Minh Tân (huyện Thủy Nguyên). Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Đinh Công Toản, các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp vận hành lò đốt chưa thống nhất giá cả, chi phí xử lý rác thải bằng lò đốt, vì thành phố chưa ban hành định mức chi phí trong xử lý rác bằng loại hình này. Do đó, công tác quản lý, vận hành, cân đối kinh phí vận hành hoạt động lò đốt hiệu quả thấp. Năng lực của một số đơn vị quản lý hạn chế, không phát huy hết công suất của lò đốt theo thiết kế. Hiện, lò đốt rác chỉ xử lý rác cho địa bàn 1 xã, trong khi công suất lò đốt bảo đảm phục vụ 2 đến 3 xã.
Chú trọng xử lý rác đầu nguồn
Là xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Tam Đa (huyện Vĩnh Bảo) quy hoạch 1ha xây dựng bãi rác tập trung và cách đây 3 năm hoàn thành xây bãi chôn lấp rác rộng 5 nghìn m2, đáp ứng nhu cầu chôn lấp rác trên địa bàn xã trong 20 năm. Chủ tịch UBND xã Tam Đa Lê Đức Thuận cho biết, xã không hình thành ga rác ở các thôn như nhiều xã khác, dễ gây ô nhiễm khu dân cư. Thay vào đó, mỗi tuần 2 buổi, tổ thu gom sử dụng xe chở rác thu gom từ các sọt rác của hộ dân đưa về bãi rác tập trung chôn lấp. Với số hộ dân trên địa bàn không nhiều, với hơn một nghìn hộ dân, việc triển khai mô hình trên là rất phù hợp. Khu xử lý ở khu tập trung của xã xa khu dân cư, rác về đến đâu chôn lấp đến đó, khi rác đầy sử dụng máy gạt, phủ cát và xử lý bằng thuốc khử trùng bảo đảm vệ sinh môi trường.
Xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) triển khai xã hội hoá việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý tổng hợp chất thải rắn đầu nguồn triệt để theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng).… bảo đảm vệ sinh môi trường bền vững. Theo đó, các hộ dân được cấp 3 loại thùng đựng rác (chứa rác hữu cơ, rác vô cơ và rác có thể tái chế, sử dụng) để người dân phân loại ngay ban đầu. HTX Thành Vinh là đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn đầu nguồn và xử lý triệt để bằng việc kết hợp hai phương pháp: chôn lấp, ủ vi sinh chất thải rắn sinh hoạt và nông nghiệp…
Những mô hình, cách làm của các xã Tam Đa và Tú Sơn cần sớm được đánh giá hiệu quả, từ đó các địa phương xem xét, áp dụng và nhân rộng phù hợp với thực tế. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Dương, từ các mô hình trên cho thấy, điều quan trọng là tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân có ý thức trong phân loại rác, xử lý rác từ đầu nguồn. Việc xây dựng các bãi rác tập trung cấp huyện rất cần thiết, nhưng trước hết ngành Tài nguyên - Môi trường phối hợp các địa phương quyết liệt hơn trong quản lý, kiểm tra việc xử lý các bãi rác tạm ở các xã đúng quy trình. Khó khăn về kinh phí cũng cần được thành phố xem xét cân đối, phân bổ nguồn giao các địa phương triển khai xử lý bãi rác tạm thường xuyên, hiệu quả hơn ngay từ cơ sở.
Theo báo Hải Phòng