Vĩnh Long: Vật liệu xây không nung - Vật liệu của tương lai

Thứ sáu, 10/03/2017 13:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều tòa nhà tại Khu Hành chính tỉnh Vĩnh Long cao 3 - 4 tầng sừng sững, thoạt nhìn không có gì đặc biệt ngoài chiều cao của nó. Nhưng thực tế sự khác biệt nằm ngay trong từng viên gạch. Đó là sự có mặt của một vật liệu mới - gạch không nung. Điều đáng nói, gạch không nung được cho là vật liệu xây của tương lai, thay thế dần gạch đỏ- vốn là những vật liệu đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt bao đời. Nhưng đến nay dòng sản phẩm thân thiện môi trường này vẫn chưa có được vị trí vững chắc.

Ông Vũ Khắc Hưởng giới thiệu gạch không nung do cơ sở mình sản xuất.

Sau 3 năm (2013 - 2015) triển khai Chương trình 567 phát triển gạch không nung của Thủ tướng Chính phủ, theo Sở Xây dựng tỉnh, đến nay có 4 cơ sở/doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng sản xuất, tổng công suất 95 triệu viên/năm.
Đến nay có khoảng 100 công trình vốn nhà nước, với khối lượng trên 15 triệu viên gạch không nung đã sử dụng. Đây là vật liệu có nhiều tính năng ưu việt như cách âm, cách nhiệt...

Ông Vũ Khắc Hưởng- Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Hải Long (Khu công nghiệp Hòa Phú) - một trong những dây chuyền đi vào hoạt động đầu tiên tại Vĩnh Long cho biết, năm 2013 Công ty đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng dây chuyền gạch không nung với công suất 10 triệu viên/năm.

Gạch của Công ty sau khi ép chỉ cần phơi khô 2 - 3 ngày là có thể sử dụng. Qua xây thử nghiệm, gạch không nung có thể được xây thông thường với vữa xây truyền thống hoặc sử dụng keo đặc dụng, hồ dầu mỏng nên tường gạch phẳng đều.

“Gạch này giúp chủ đầu tư tiết kiệm hơn bởi độ đồng đều cao nên một số vị trí không cần tô hồ phủ kín so sử dụng gạch truyền thống. Nguyên liệu để sản xuất gồm đá mi bụi, cát, phụ gia bột khoáng bentonite và dầu bôi trơn không nhập khẩu nên giá thành sản phẩm khá cạnh tranh” - ông Vũ Khắc Hưởng cho biết thêm.

Tuy nhiên, giống như tất cả các loại sản phẩm khác khi mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường, gạch không nung cũng không tránh khỏi tâm lý dè chừng, nghi hoặc của khách hàng.

Vì vậy, theo ông Vũ Khắc Hưởng, những sản phẩm gạch không nung đầu tiên ra lò, đại bộ phận các chủ đầu tư, nhà thầu cũng như các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng đều chưa biết gì. Thậm chí, họ còn không phân biệt được các loại gạch không nung nên gần như không sử dụng.

Còn theo anh Nguyễn Quốc Bình - thành viên HĐQT Hợp tác xã Sản xuất Thương mại và Xây dựng dân dụng Tâm Phú Đức (Phường 9 - TP. Vĩnh Long), gạch không nung hiện thị trường rất đa dạng: gạch block, gạch bê tông khí chưng áp và gạch panel…

Tuy khác nhau về thành phần nguyên liệu cũng như cách thức sản xuất, nhưng các loại sản phẩm này đều có chung những ưu điểm là giảm giá thành, thời gian xây dựng... Mỗi dòng sản phẩm không nung có những ưu thế riêng. Ví như cùng gạch panel nhưng có nhiều loại: panel tường, panel sàn, panel khung dầm,…

“Đại bộ phận người dân, chủ đầu tư do chưa hiểu đúng và chưa tin tính năng, tác dụng của gạch không nung. Bên cạnh, nguồn vốn hạn chế nên phần lớn chỉ nhập dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ..., do đó sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn nhiều dẫn tới sản xuất bị ngừng trệ” - anh Bình giải thích thêm lý do sự hạn chế tính thông dụng gạch này trên thị trường hiện nay.

Trong khi đó, đánh giá của Sở Xây dựng về sự bất cập trong sản xuất gạch truyền thống hiện nay cho thấy, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn 1,5 triệu mét khối đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 - gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, gạch nung phải sử dụng đất nông nghiệp - đây là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, có thể biến đất canh tác thành ao, hồ, thành vùng trũng và sâu ngập nước làm giảm diện tích cây lương thực.

Ngược lại, sản xuất gạch không nung sẽ khắc phục hoàn toàn hạn chế trên và nhất là giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì thế, Sở Xây dựng xác định, sử dụng vật liệu xây không nung là xu hướng phát triển tất yếu.

Để đẩy nhanh phát triển, song song với việc ngưng hoạt động các lò thủ công, Sở Xây dựng cũng xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư tham gia sản xuất vật liệu xây dựng không nung, mục tiêu đến năm 2020 có 9 - 10 dây chuyền, (tăng khoảng 4 dây chuyền so năm 2015) cần thêm 56 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguồn vốn khá lớn nên rất cần nguồn vốn hỗ trợ; đồng thời lộ trình giảm dần đến chấm dứt gạch nung truyền thống cần phải thống nhất rõ ràng, mạnh tay hơn nữa thì các doanh nghiệp gạch không nung mới mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất.

Về phía thị trường, sau khi hàng loạt các công trình của Nhà nước làm chủ đầu tư sử dụng gạch không nung, thì đến nay nhiều chủ quán cơm, cà phê, hộ gia đình cũng đã bắt đầu chấp nhận và sử dụng cho công trình của mình.

“Hiện đầu ra của sản phẩm khá ổn định cả trong và ngoài tỉnh. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó có khi không đủ sản phẩm để cung cấp cho khách hàng” - ông Vũ Khắc Hưởng phấn khởi.

Theo Sở Xây dựng, đến nay tổng số cơ sở/doanh nghiệp sản xuất gạch bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường là 1.082 cơ sở, với 2.284 miệng lò; đã ngưng hoạt động 776 cơ sở, chiếm 72% cơ sở hiện có, tương đương 1.585 miệng lò, chiếm gần 69% tổng miệng lò hiện có. Theo kế hoạch, đến 30/6/2018 ngưng hoạt động 261 cơ sở với 459 miệng lò thủ công thuộc cơ sở sản xuất ngoài cụm tuyến quy hoạch của tỉnh, huyện gồm; đến 30/6/2020 ngưng hoạt động 807 cơ sở với 1.799 miệng lò thủ công.


Theo báo Vĩnh Long

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)