Quận Tây Hồ đứng trước không ít thách thức trong việc xây dựng vùng đô thị “đáng sống” của Thủ đô.
Những năm gần đây, diện mạo quận Tây Hồ thay đổi chóng mặt. Đặc biệt khi công trình cầu Nhật Tân, tuyến đường Võ Chí Công hoàn thành, đưa vào sử dụng, quận Tây Hồ trở thành cửa ngõ phía tây bắc Thủ đô, kết nối trung tâm thành phố với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và các tỉnh phía bắc. Yếu tố này cộng với lợi thế sẵn có, nhất là hồ Tây với diện tích 526 ha, gần bằng một phần năm diện tích toàn quận, nhiều làng hoa, cây cảnh, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, địa bàn quận Tây Hồ thật sự trở thành một không gian sống mà nhiều người mong ước. Trên địa bàn quận, hiện tại, ngoài khu đô thị Ciputra đã đưa vào khai thác và đang tiếp tục được xây dựng thêm, còn có khu đô thị Tây Hồ Tây, khu đô thị Xuân La và nhiều tòa nhà chung cư như: Phú Mỹ Complex, Ecolife Tây Hồ… Lợi thế về không gian sống khiến ngày càng có nhiều người muốn mua nhà và sinh sống trên địa bàn quận. Dân số toàn quận hiện là 170 nghìn người, song tốc độ gia tăng cơ học trong những năm gần đây là rất cao. Trong thời gian tới, khi nhiều chung cư, khu đô thị được khánh thành đi vào hoạt động, sẽ xảy ra tình trạng tăng dân số đột biến. Chẳng hạn như dân số phường Phú Thượng dự báo sẽ tăng lên đến 40 nghìn người, gấp đôi so với thời điểm hiện tại. Điều ấy đồng nghĩa với áp lực dân số lên hệ thống hạ tầng, từ giao thông, cho đến cấp, thoát nước, bảo vệ môi trường cũng như hạ tầng xã hội về giáo dục, thương mại... Biểu hiện rõ nhất là cung đường ven hồ Tây vốn được coi như là đường dạo để ngắm cảnh, nhưng hiện nay, nhiều đoạn đường đã bắt đầu quá tải. Một vấn đề nan giải khác là công tác bảo vệ môi trường hồ Tây. Năm 2016, đã từng xảy ra sự cố hàng trăm tấn cá chết nổi trắng mặt hồ, mà nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Những vấn đề nêu trên nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ không chỉ làm ảnh hưởng chất lượng sống của người dân trên địa bàn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hình ảnh của quận Tây Hồ trong mắt khách du lịch.
Đối với việc xây dựng hạ tầng giao thông, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng kiến nghị thành phố sớm phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường Xuân Diệu và Đặng Thai Mai. Đồng thời, quan tâm xây dựng tuyến đường rộng 17,5 m trên địa bàn phường Phú Thượng, theo hình thức 50% vốn của quận, 50% vốn của thành phố. Khi những công trình này được hoàn thành, hạ tầng giao thông trên địa bàn quận Tây Hồ sẽ được cải thiện đáng kể.
Bảo vệ môi trường hồ Tây có ý nghĩa sống còn đối với phát triển kinh tế - xã hội của quận Tây Hồ. Song đây cũng là vấn đề còn nhiều bất cập, khi nước thải của các khu dân cư, nhà hàng trong khu vực vẫn tiếp tục xả ra hồ. Thành phố đã xây dựng trạm xử lý nước thải tại phường Nhật Tân, với công suất xử lý khoảng 15.000 m3 nước/ngày đêm. Tuy nhiên, hệ thống thu gom nước thải chưa hoàn thiện, cho nên nhà máy chưa thể xử lý nước thải như yêu cầu đặt ra. Một dự án thoát nước quan trọng khác trên địa bàn là mương Thụy Khuê đoạn từ dốc La Pho đến Cống Đõ đến nay chưa thể hoàn thành, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Nếu không sớm được hoàn thiện, khai thác, vào mùa mưa, nước từ mương Thụy Khuê có thể chảy ngược ra hồ Tây, gây ô nhiễm nước hồ. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: "Giai đoạn 1 của dự án xử lý nước thải địa bàn quận Tây Hồ chưa thể hoàn thành do phần đấu nối giữa các cơ sở xả thải vào đường thu gom chưa xong. Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp quận Tây Hồ để hoàn thiện. Trong tương lai, sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 theo hình thức BT, tiến tới thu gom toàn bộ nước thải từ các hộ gia đình quanh hồ, chấm dứt tình trạng xả thải trực tiếp xuống hồ Tây. Sở Xây dựng đang phối hợp các đơn vị liên quan thống nhất phương án bổ cập nước hồ Tây vào mùa khô bằng nước sông Hồng". Hiện tại, quận Tây Hồ còn một quỹ đất rất lớn ngoài bãi sông Hồng, khoảng 700 ha. Phần diện tích này nằm trong phạm vi nghiên cứu của Đồ án Quy hoạch hai bên sông Hồng được UBND thành phố Hà Nội giao cho các nhà đầu tư nghiên cứu, nhằm đưa quỹ đất này vào khai thác hiệu quả.
Trong cuộc làm việc với Quận ủy Tây Hồ về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu quận Tây Hồ phải làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Hồ Tây là một di sản quý của Thủ đô, luôn được dư luận quan tâm. Các ban, ngành cần sớm triển khai cải tạo, nạo vét hồ Tây, đẩy nhanh tiến độ các dự án thu gom nước thải, mương thoát nước Thụy Khuê để bảo vệ môi trường hồ Tây. Tốc độ gia tăng dân số cơ học trên địa bàn quận Tây Hồ hiện rất cao, bộc lộ nhiều bất cập. Quận Tây Hồ cùng các ban, ngành phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, với những biện pháp quyết liệt. Đối với các dự án mở rộng đường Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, đường rộng 17,5m trên địa bàn phường Phú Thượng, thành phố đã cơ bản nhất trí bố trí vốn cho quận triển khai, tuy nhiên, quận cần khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư. Đồng chí đề nghị các ban, ngành xem xét hình thức đầu tư để khai thác tốt hơn thắng cảnh hồ Tây. Hiện tại, đường dạo ven hồ quá nhỏ hẹp, lưu lượng giao thông lớn, cần xây dựng những bãi đỗ xe ngầm, cải tạo tuyến đi bộ quanh hồ Tây. Thế mạnh của quận Tây Hồ chính là du lịch, phải gìn giữ cảnh quan đô thị, môi trường thật tốt thông qua thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm văn minh đô thị, phối hợp với xây dựng nếp sống văn hóa của người dân để tạo ấn tượng tốt cho khách du lịch.
Theo báo Nhân dân điện tử