Lào Cai: Hiệu quả dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn

Thứ ba, 21/02/2017 11:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cấp nước nông thôn là một trong những tiểu hợp phần thuộc Dự án “Bạn hữu trẻ em tỉnh Lào Cai”, giai đoạn 2012 - 2016 đã được UNICEF phê duyệt và hỗ trợ thực hiện tại một số xã trong tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nhiều vùng nông thôn.

Công trình nước hợp vệ sinh của hộ dân xã Bản Xen (Mường Khương).

Với các hoạt động chính là nâng cao năng lực lập kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; thí điểm xây dựng mô hình xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình. Triển khai nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch hằng năm, có tính khả thi, bảo đảm sự công bằng, phù hợp với nguyện vọng của người dân trong các dự án thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai tại 152 xã thuộc 9 huyện và thành phố. Triển khai thí điểm xây dựng mô hình xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình tại 9 xã: Cao Sơn, Bản Xen, Thanh Bình (Mường Khương); Lao Chải, Sa Pả, Trung Chải (Sa Pa); Bản Phố, Lầu Thí Ngài (Bắc Hà); Cán Cấu (Si Ma Cai).

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Tiểu ban hợp phần Dự án cho biết: Qua điều tra sơ bộ cho thấy, ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, nên việc xử lý và trữ nước hộ gia đình rất đơn giản, chủ yếu là tự lắng, một số hộ lọc qua cát, sỏi; dụng cụ trữ nước rất đa dạng, như bể xây, máng gỗ, thùng gỗ, chậu, can… có dung tích nhỏ và tỷ lệ đạt chuẩn vệ sinh còn hạn chế. Vì thế, Tiểu ban đã đặt ra mục tiêu là cải thiện điều kiện xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình cho khoảng 10.000 người dân được nâng cao sức khỏe và tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh.

Đến các vùng “đất khát” ở Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, nhất là những xã đang được hưởng lợi từ việc thí điểm xây dựng mô hình xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình, nhiều dụng cụ trữ nước an toàn đa dạng xuất hiện, nhận thức của người dân về cải thiện điều kiện xử lý và trữ nước an toàn được nâng nên rõ rệt. “Gia đình tôi trực tiếp được hưởng lợi từ Dự án, nhờ tiếp cận thông tin về phương pháp xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình, tôi thấy rõ lợi ích về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường. Gia đình tôi luôn chú ý đến việc làm sạch hệ thống lọc nước, trữ nước, đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt trong năm” - ông Lù A Lùng, thôn Thịnh Ổi, xã Bản Xen (Mường Khương) tâm sự.

Trong 5 năm, Dự án đã triển khai thí điểm cung cấp 243 mô hình xử lý và trữ nước đơn giản hộ gia đình tại 69 thôn, bản thuộc 9 xã của 4 huyện tham gia dự án. Cụ thể: Huyện Mường Khương gồm 14 mô hình ở xã Bản Xen, 11 mô hình ở xã Thanh Bình, 9 mô hình ở xã Cao Sơn; huyện Sa Pa gồm 15 mô hình ở xã Lao Chải, 42 mô hình ở xã Sa Pả, 42 mô hình ở xã Trung Chải; huyện Si Ma Cai với 40 mô hình ở xã Cán Cấu; huyện Bắc Hà với 70 mô hình ở xã Bản Phố... Quá trình triển khai các hoạt động của Dự án cũng góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp về phương pháp vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân quản lý nguồn nước, quy trình xử lý nước an toàn; hướng dẫn thau rửa dụng cụ trữ nước; đun sôi nước trước khi uống; vệ sinh nhà ở; vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường được nâng lên. Đã có khoảng 30.000 người/9 xã được tiếp cận thông tin về phương pháp xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở; 150 gia đình tự đầu tư làm hệ thống lọc nước tương tự như mô hình điểm thuộc Dự án... Từ kết quả trên và thực tế triển khai, có thể nhận thấy nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh vùng nông thôn trong tỉnh còn nhiều hộ cần được hỗ trợ từ Dự án.


Theo báo Lào Cai

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)