Sáng 3/1, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã làm việc với thị xã Sơn Tây về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017.
Theo ông Nguyễn Quang Sơn, Bí thư thị xã Sơn Tây, cơ cấu kinh tế của thị xã đến cuối năm 2016 là công nghiệp-xây dựng chiếm 45%; các ngành dịch vụ chiếm 41,7%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 13,3%. Trên địa bàn có 613 doanh nghiệp hoạt động, 17 hợp tác xã và 6.276 hộ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Năm 2016, nhìn chung tình hình kinh tế thị xã phát triển ổn định, có sự tăng trưởng cao hơn năm trước, tuy nhiên ông Nguyễn Quang Sơn đánh giá, nhìn chung, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng còn chậm, kinh tế thị xã phát triển còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu đề ra.
Thị xã Sơn Tây được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh trong tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có chức năng là: Đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô, các dịch vụ về lĩnh vực đào tạo, y tế...
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Lê Vinh, sau khi có quy hoạch tổng thể, hiện nay thị xã Sơn Tây đang cùng với các cơ quan chức năng lập quy hoạch phân khu chi tiết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch chung, Sơn Tây có nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng còn thấp, giao thông mới thuận lợi ở kết nối với khu trung tâm, còn lại trong nội bộ thị xã còn thiếu và yếu.
Về lĩnh vực công thương, theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương, thị xã Sơn Tây có 2 cụm công nghiệp, trong đó cụm Phú Thịnh diện tích 8,5 ha đã lấp đầy, còn cụm công nghiệp Sơn Đông về quy hoạch có 7,2 ha nhưng hạ tầng kêu gọi đầu tư chưa có. Năm 2017, Sở Công Thương sẽ báo cáo UBND TP đưa cụm công nghiệp Sơn Đồng vào đầu tư giai đoạn 2016-2017, vì vậy Sở Công Thương kiến nghị thị xã cần sớm xác định quy mô, tính chất để đưa cụm công nghiệp này lên trang xúc tiến đầu tư.
Về thương mại, thị xã có 5 siêu thị, 1 chợ hạng I và 8 chợ hạng III, theo ông Lê Hồng Thăng, nếu thị xã phát triển thành khu đô thị vệ tinh thì điều kiện dịch vụ này của thị xã hiện rất mỏng (theo quy hoạch cần có 35 siêu thị hạng III, 2 TTTM cấp vùng…). Sở Công Thương mong muốn thị xã phối hợp Sở nghiên cứu quy hoạch chi tiết các TTTM, chợ để đưa lên hệ thống kêu gọi đầu tư bởi nếu muốn là khu đô thị vệ tinh thì hệ thống thương mại phải phát triển.
Tại buổi làm việc, thị xã Sơn Tây kiến nghị Thành phố quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thị xã triển khai các dự án thành phần trong quy hoạch; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung về giao thông (dự án tuyến Hoàng Quốc Việt kéo dài, vành đai 5 qua thị xã Sơn Tây, tuyến quốc lộ 21, tuyến Thành cổ Sơn Tây đi đền Và…
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải đánh giá, năm 2016, thị xã Sơn Tây đạt 22/24 chỉ tiêu đạt về kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2016, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Tuy nhiên, có 2 chỉ tiêu chưa đạt là hộ nghèo và nước sạch.
Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có, giá trị sản phẩm còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Trong đó hạn chế lớn nhất là kết nối yếu,do đó trong giai đoạn tới, thị xã cần tăng cường kết nối thị trường, cơ sở hạ tầng... để giúp sản phẩm, lợi thế của địa phương phát triển hơn.
Về các nhiệm vụ trọng tâm 2017, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu thị xã Sơn Tây cần tập trung vào kế hoạch, mục tiêu phát triển khu đô thị vệ tinh. Theo Bí thư Hà Nội, thị xã chưa quyết liệt, chưa đủ năng động, sáng tạo để huy động nguồn vốn đầu tư, vì vậy, năm 2017 cần tập trung tìm giải pháp thu hút nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp...
Theo chinhphu.vn