Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà bán trú cho học sinh vùng cao

Thứ hai, 28/11/2016 11:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện Quyết định số 85/2010/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mô hình bán trú cho học sinh (HS) vùng cao ở cấp THCS, tính đến đầu năm học 2016-2017, khu vực miền núi đã chuyển đổi 19/49 trường THCS thành trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) - THCS ở các huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát.

Học sinh Trường PTDTBT - THCS Tam Thanh đang phải ở trong khu nhà bán trú tạm bợ.

Tuy nhiên, từ khi thành lập mô hình này, nhiều trường vẫn chưa được đầu tư xây dựng nhà bán trú, nhà ăn cho HS, trong khi đó nguồn ngân sách ở các huyện còn hạn hẹp, nên đến nay ở các huyện miền núi cao vẫn còn trên 1.000 HS đang phải ở nhà bán trú dân nuôi bằng lều tạm, hoặc trọ nhà dân.

Đến thăm Trường PTDTBT - THCS Tam Thanh (Quan Sơn), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là các em HS được học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp, nhưng nhiều HS ở các bản vùng sâu, vùng xa vẫn phải ăn ở tại khu nhà lán bán trú còn tạm bợ, hoặc phải thuê ở tại nhà dân. Thầy giáo Nguyễn Văn Dương, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tam Thanh là xã biên giới đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, hiểm trở, bản xa nhất cách trường 10km. Vì vậy, những năm trước đây, việc vận động HS ở các bản vùng sâu, vùng xa đến trường gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm tạo điều kiện cho HS có nơi ăn ở để yên tâm học tập, năm học 2009-2010 nhà trường đã vận động phụ huynh HS theo hướng xã hội hóa dựng 2 lán ở, chia thành 2 khu nam, nữ, dùng tre nứa làm giường, mua các đồ dùng thiết yếu đủ cho 31 HS ở bản Pa (là bản vùng sâu, vùng xa) không còn phải thức dậy từ sáng sớm vượt sông, suối đến trường. Dù chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng đã giúp các em ở lại trường yên tâm học hành. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường vẫn còn 157 HS trong diện được bán trú đang phải thuê ở tại các nhà dân, vì vậy rất cần sự quan tâm của Nhà nước đầu tư xây dựng nhà bán trú.

Được biết, hiện nay huyện Quan Sơn có 7 trường PTDTBT – THCS, trong đó chỉ có 2 trường Na Mèo và Sơn Điện là có nhà bán trú kiên cố và điều kiện sinh hoạt tương đối tốt, 5 trường còn lại hầu hết các khu nhà bán trú đều là những lán, nhà tạm; các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, bể nước, nguồn nước sinh hoạt không có hoặc tạm bợ.

Qua tìm hiểu một số huyện khác, số lượng HS các trường PTDTBT – THCS chưa được ở nhà bán trú còn cao, như: Lang Chánh còn khoảng 150 HS, Thường Xuân 120 HS, Mường Lát 200 HS... đang phải thuê trọ ở nhà dân.

Nhằm tạo điều kiện cho HS vùng cao có nhà bán trú để yên tâm học tập, năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Mở rộng, nâng cấp khu nhà bán trú cho HS các huyện vùng cao”. Theo đề án, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư 199 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp khu nhà nội trú, các công trình nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, nước sạch... đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho HS 47 trường THCS, THPT thuộc 7 huyện vùng cao chưa có nhà nội trú, hoặc có nhà nội trú nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Đến thời điểm này, tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện triển khai mặt bằng, lập dự toán, thiết kế kỹ thuật để tỉnh cấp nguồn vốn xây dựng nhà bán trú cho HS. Hy vọng những công trình này sớm hoàn thành, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng và các nhà trường.


Theo báo Thanh Hóa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)