Sáng 17/11, TP. Hà Nội đã công bố và bàn giao Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tại buổi công bố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xây dựng Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp trên địa bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp là một quy hoạch đặc thù, là cơ sở quan trọng để triển khai rà soát, sắp xếp hệ thống trụ sở làm việc hiện có và tiến hành đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất nhất quán, đồng bộ, tạo dựng hình ảnh, vị thế của các cơ quan tư pháp Thủ đô.
Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, căn cứ kiến nghị của UBND TP. Hà Nội và các cơ quan tư pháp Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép UBND TP Hà Nội ứng vốn 100% để xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp từ Thành phố đến quận, huyện theo quy hoạch.
Như vậy, Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố được quy hoạch xây dựng tại Khu đô thị Nam đường vành đai 3 thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, có diện tích 3,5ha, diện tích xây dựng 45 nghìn m2. Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố cũng được xây dựng gần với địa điểm của Tòa án nhân dân Thành phố, với diện tích 2 ha. Cục Thi hành án được quy hoạch tại khu đô thị Mỹ Đình 1 với diện tích trên 600m2.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các quận, huyện, thị xã bố trí quỹ đất và tạo mặt bằng sạch giao cho các cơ quan tư pháp để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở theo quy hoạch; yêu cầu các cơ quan tư pháp nghiên cứu và báo cáo cấp trên để hoàn thiện các mẫu thiết kế công trình, tập trung thực hiện các dự án trụ sở làm việc theo quy hoạch được duyệt để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Quy hoạch nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp Thành phố đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và phù hợp với định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ rõ những yêu cầu, chỉ tiêu áp dụng với từng loại hình trụ sở cơ quan tư pháp.
Theo Quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, số cơ sở ổn định được cập nhật vào quy hoạch là 6 trụ sở, gồm 3 trụ sở ngành Tòa án, 2 trụ sở ngành Kiểm sát và 1 trụ sở ngành Thi hành án. Có 32 trụ sở xây dựng mới, cải tạo, mở rộng diện tích tại chỗ, gồm 10 trụ sở ngành Tòa án, 12 trụ sở ngành Kiểm sát và 10 trụ sở ngành Thi hành án.
Ngoài ra, có 55 cơ sở xây dựng ở các vị trí mới, bao gồm 18 trụ sở ngành Tòa án, 17 trụ sở ngành Kiểm sát và 20 trụ sở ngành Thi hành án. Quy hoạch cũng xác định 18 địa điểm để dự trữ phát triển, mở rộng trụ sở các cơ quan tư pháp Thành phố giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm 6 trụ sở ngành Tòa án, 6 trụ sở ngành Kiểm sát và 6 trụ sở ngành Thi hành án.
Trong đó, với ngành Tòa án, ngoài diện tích thông thường theo số cán bộ làm việc, phải bố trí các phòng chức năng đặc thù như phòng xử án, phòng nghị án, phòng viện kiểm sát, phòng luật sư, phòng công an dẫn giải, phòng họp báo, phòng hòa giải, phòng lưu phạm, phòng nhân chứng… Tòa án nhân dân Thành phố phải bố trí khu xét xử ngoài trời, khu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức xét xử, khu rèn luyện thể chất…
Còn đối với ngành kiểm sát, ngoài diện tích thông thường theo số cán bộ làm việc, bố trí thêm các phòng chức năng như phòng tiếp dân, kho tang chứng vật chứng, phòng hỏi cung… với diện tích trung bình từ 300-400m2/trụ sở cấp quận, huyện. Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân phải có sự kết nối với Tòa án nhân dân để đảm bảo thuận lợi trong phối hợp nghiệp vụ, điều tra xét xử. Đối với trụ sở ngành thi hành án, phải bố trí các phòng chức năng như phòng tiếp đương sự, phòng giải quyết khiếu nại tố cáo, kho lưu giữ hồ sơ thi hành án.
Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai, các cơ sở đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và các cơ sở có yêu cầu bức thiết phải xây dựng trụ sở ngay để đáp ứng yêu cầu công việc. Giai đoạn 2020-2030, xây dựng và phát triển, mở rộng theo quy hoạch, hoàn chỉnh mạng lưới, chuẩn bị quỹ đất để phát triển các cơ sở cho nhu cầu dài hạn. Giai đoạn 2030-2050 và sau 2050, xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới gắn với quy hoạch không gian đô thị, bổ sung nhu cầu phát triển mới phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô và của ngành.
Theo chinhphu.vn