Đô thị hóa, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đặt ra cho TP. Đà Nẵng thách thức trong việc vừa đảm bảo an ninh nguồn nước vừa nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chiều 4/10,TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Nước với cuộc sống đô thị” nhằm chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, sáng kiến hợp tác quản lý, sử dụng nguồn ngước đô thị hiệu quả.
Theo bà Quách Thị Xuân (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng), với dân số hơn 1 triệu người nên nhu cầu về nguồn nước của Đà Nẵng ngày càng tăng. Hiện nay phương thức khai thác đã tiệm cận với công suất thiết kế, nếu không kiểm soát giảm nhu cầu sử dụng nước và xây thêm nhà máy cấp nước mới thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước.
Hiện Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ Đà Nẵng cung cấp nước cho khoảng 80% cho khu vực đô thị. Nhà máy lấy nước ở hạ nguồn sông Vu Gia, cách biển khoảng 13 km. Gần đây do nhiều nguyên nhân, nguồn cấp nước thường xuyên bị nhiễm mặn và độ mặn liên tiếp đạt mức cao, số ngày nhiễm mặn đạt quá ngưỡng dự báo rất lớn. Vì vậy, nếu không có giải pháp hiệu quả, về lâu dài thì đó là một thách thức lớn đối với đô thị Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng, phù hợp với tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn. Cụ thể, cách đây gần 10 năm TP. Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống cấp nước với quy mô hiện đại, nhờ đó đã nâng tỷ lệ người dân được cấp nước sạch đã lên 90%, trong đó khu vực đô thị là 95%, khu vực nông thôn là 46%. Tỷ lệ đấu nối nước thải ở các khu công nghiệp đạt khá cao, khoảng 98%.
Bên cạnh đầu tư xây dựng hệ thống cấp và thoát nước đồng bộ bằng ngân sách, gần đây Đà Nẵng cũng có chủ trương kêu gọi hợp tác đầu tư công-tư nhằm xây dựng phát triển hiệu quả hơn nữa cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Thành phố.
Tuy nhiên trong bối cảnh đô thị hóa và dân số tăng nhanh cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề cấp nước, thoát nước và và xử lý nước thải của đô thị Đà Nẵng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc thực hiện kêu gọi hợp tác công-tư còn gặp nhiều khó khăn vì mức đầu tư khá lớn, đòi hỏi Thành phố cần nghiên cứu, trao đổi với các chuyên gia để xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả.
Cần vận dụng kinh nghiệm quốc tế
Tại hội thảo, ông Kennichiro Tachi (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) cho rằng phát triển bền vững ở các đô thị sẽ không đạt được nếu không có các biện pháp hiệu quả để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là các loại hình thiên tai liên quan đến thủy văn.
Dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn từ Nhật Bản, JICA đã phối hợp với Việt Nam trong việc tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Một trong những thành tựu đạt được là hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp lũ lụt ở một số tỉnh, thành. Theo đó, dự án xác định và liệt kê các biện pháp toàn diện để giảm thiệt hại do mưa lũ phù hợp với đặc điểm của các lưu vực sông, hướng đến bảo đảm đầu tư cho các giải pháp dự kiến thực hiện.
Ông Craig Chittick, Đại sứ toàn quyền Australia tại Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Giải quyết vấn đề này cần những nỗ lực lớn.
Ông Craig Chittick cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về kinh nghiệm và công nghệ để giải quyết bền vững các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước có hiệu quả.
Theo chinhphu.vn