Giải bài toán nước sạch sinh hoạt cho đô thị Phúc Yên

Thứ tư, 17/08/2016 16:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mặc dù đã lên đô thị loại III song đến nay, nhiều người dân ở thị xã Phúc Yên vẫn chưa có nước sạch phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, nước sạch luôn là vấn đề được người dân thị xã Phúc Yên quan tâm và kiến nghị nhiều nhất. Để giải bài toán nước sạch sinh hoạt cho đô thị Phúc Yên nói riêng và các huyện trong tỉnh nói chung, mới đây, UBND tỉnh đã có Quyết định “Phê duyệt danh mục các công trình cấp nước sạch nông thôn cần đầu tư nâng cấp, cải tạo và thay đổi mô hình quản lý trên địa bàn tỉnh”.

Công nhân Công ty Cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc vận hành hệ thống bơm và xử lý nước máy tại đơn vị.

Hiện nay, thị xã Phúc Yên có 6 phường và 4 xã, với số dân trên 100 nghìn người, trong đó khu vực thành thị chiếm gần 60%, còn lại tập trung ở khu vực nông thôn. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc (Phúc Yên), trung bình mỗi năm, công ty cấp trên 5 triệu m3 nước máy phục vụ nhân dân trên địa bàn địa. Tuy nhiên, sản lượng nước tiêu thụ tập trung nhiều ở các phường trung tâm, còn ở các xã vùng sâu, vùng xa thì chưa có do việc đầu tư, lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đến nay, chỉ có khoảng 30- 40% số hộ dân trên địa bàn thị xã Phúc Yên được dùng nước máy của công ty.

Đồng chí Ngô Trường Giang, Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc cho biết: Đối với các phường trung tâm thị xã như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hùng Vương, Phúc Thắng... đã cơ bản hoàn thiện đường ống cấp nước đến các hộ dân với tỷ lệ đạt từ 80%- 90%. Tuy nhiên, đối với các xã: Nam Viêm, Ngọc Thanh, Tiền Châu, Cao Minh... do địa bàn rộng và hẻo lánh, dân cư không tập trung, thu nhập đầu người thấp hơn so với khu vực thành thị nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho đường nước còn thiếu và yếu. Chính vì vậy, người dân tại địa bàn các xã này chưa có nước máy dùng.

Thực tế, Công ty Cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc đã từng đầu tư đường ống phục vụ nước máy đến một số địa bàn vùng sâu, vùng xa của thị xã Phúc Yên. Tuy nhiên, do “gói” đầu tư lớn, trong khi số lượng nước máy tiêu thụ của các hộ dân rất ít dẫn đến tình trạng thu không đủ để bù chi. Việc kinh doanh không có lãi khiến doanh nghiệp không mặn mà vay vốn để đầu tư.

Cụ thể, trong năm 2014, công ty đã đầu tư trên 2 tỷ đồng lắp đặt đường trục cấp nước đến thôn Gò Sỏi (xã Nam Viêm). Thôn Gò Sỏi xa, hẻo lánh và chỉ có khoảng trên 50 hộ dân. Song trước nhu cầu cấp thiết về nguồn nước của người dân địa phương, công ty đã phải vay vốn ngân hàng đầu tư thiết bị và lắp đặt đường trục cấp nước cho các hộ dân. Theo tính toán, trung bình mỗi tháng, thôn Gò Sỏi chỉ dùng hết khoảng 100m3 nước máy, tương đương với 700 nghìn đồng/tháng/thôn. Với sản lượng thiêu thụ nước ở thôn Gò Sỏi thấp khiến việc kinh doanh không có lãi, thậm chí công ty còn bị “âm” vào vốn.

Đứng trước thực tế, nhu cầu sử dụng nước máy của người dân địa phương thì cao song nguồn vốn để đầu tư của doanh nghiệp lại hạn chế đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ. Được biết, trước đây Công ty Cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc đã phải vận động nhân dân đóng góp tiền và ngày công lao động để cùng doanh nghiệp đầu tư đường ống dẫn nước. Tuy nhiên, do điều kiện và thu nhập của người dân còn khó khăn nên chưa có nhiều công trình do dân và doanh nghiệp cùng làm.

Cũng trong năm 2014, Công ty Cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc đã đầu tư trên dưới 10 tỷ đồng đầu tư đường ống trục chính, đường ống dịch vụ đến tận đồng hồ của các hộ dân thôn Cao Minh (xã Cao Minh). Để giảm bớt chi phí lắp đặt cho doanh nghiệp, gần 1.000 hộ dân trong thôn Cao Minh đã tự nguyện đóng góp từ 500- 600 nghìn đồng cùng công ty chi trả chi phí đào đường ống và đền bù giải phóng mặt bằng. Ông Giang cho biết: Với quyết tâm đưa nguồn nước máy về thôn Cao Minh, doanh nghiệp và người dân địa phương đã cùng nhau đóng góp công sức, tiền của và ngày công lao động để làm. Tuy nhiên, số lượng công trình do dân và doanh nghiệp làm được rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì vậy, tình trạng thiếu nước máy phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày còn phổ biến tại nhiều địa phương.

Theo báo cáo, đến nay xã Nam Viêm mới có khoảng 20% số hộ dân được dùng nước máy; Tiền Châu là 30%; Cao Minh là 60%. Riêng xã Ngọc Thanh hầu hết chưa có hộ dân nào được dùng nước máy do đường trục cấp nước chưa được đầu tư, lắp đặt.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở thị xã Phúc Yên, nhân dân xã Nam Viêm thường xuyên kiến nghị tình trạng thiếu nước sạch ở địa phương. Tuy nhiên, nguyện vọng này bấy lâu vẫn chưa được hiện thực hóa. Về vấn đề này, đồng chí Giang cho biết: Trước đây xã Nam Viêm đã được UBND tỉnh đầu tư Dự án cấp nước tập trung nông thôn (do Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư) nên trong quy hoạch không được đầu tư cơ sở hạ tầng đường nước máy. Tuy nhiên, đến nay dự án cấp nước tập trung không hiệu quả, dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch phục vụ nhân dân. Để đầu tư, nâng cấp và cải tạo nguồn nước sạch ở xã Nam Viêm cần phải có nguồn kinh phí lớn. Chính vì vậy, nếu chỉ dựa vào năng lực của mỗi công ty thì rất khó thực hiện.

Để giải bài toán nước sạch sinh hoạt cho đô thị Phúc Yên nói riêng và các huyện trên địa bàn tỉnh nói chung, ngày 27/5/2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1799/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục các công trình cấp nước sạch nông thôn cần đầu tư, nâng cấp, cải tạo và thay đổi mô hình quản lý trên địa bàn tỉnh (đợt I). Theo đó, trong 11 danh mục các công trình được phê duyệt có công trình cấp nước tập trung xã Nam Viêm (Phúc Yên). Thực hiện quyết định 1799/QĐ-UBND, tỉnh sẽ có các cơ chế hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 41/2014/QĐ- UBND tỉnh về việc ban hành quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Để tạo sự công bằng, khách quan và tiết kiệm nguồn ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh sẽ thực hiện việc đấu thầu để lựa chọn các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm tham gia quản lý, khai thác và đầu tư nâng cấp, cải tạo công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Ngô Trường Giang khẳng định, với việc ban hành kịp thời Quyết định số 1799 của UBND tỉnh đã góp phần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, qua đấu thầu sẽ giúp các doanh nghiệp có điều kiện cạnh tranh bình đẳng, phát huy tối đa năng lực của mình từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả ở mỗi công trình. Thời điểm này, Công ty cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc đã và đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tham gia đấu thầu công trình cấp nước sạch ở xã Nam Viêm. Chắc chắn, sau khi cải tạo và chuyển đổi, công trình sẽ phát huy hiệu quả to lớn trong việc cung cấp nước sạch cho người dân địa phương.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)