Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM vừa lên kế hoạch nhu cầu đầu tư các dự án chống ngập TPHCM giai đoạn 2016-2020 với số vốn đầu tư gần 95.000 tỷ đồng.
Hiện tình trạng ngập nước tại Thành phố vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Ảnh: VGP
Trong đó, Thành phố mới bố trí được gần 23.000 tỷ đồng cho các dự án đang triển khai. Cụ thể, những dự án đã bố trí được nguồn vốn gồm: Dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng- giai đoạn 2 (11.281 tỷ đồng); Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè (10.085 tỷ đồng); Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (1.582 tỷ đồng).
Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố cần khoảng 72.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án chống ngập và dự kiến sẽ được huy động từ: ngân sách Thành phố 6.967 tỷ đồng, vốn SCIC 10.008 tỷ đồng, trung ương hỗ trợ 2.206 tỷ đồng, xã hội hóa 16.356 tỷ đồng và vận động ODA 36.422 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, những dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và Thành phố triển khai gồm: Dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn 8 km thuộc Quận 2) và Dự án xây dựng cống Kiểm soát triều Sông Kinh.
Các dự án sử dụng vốn ODA: Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Ðôi-Tẻ, giai đoạn 3; Xây dựng 04 nhà máy xử lý nước Tân Hóa-Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1 và Bình Tân; Nạo vét, cải tạo 32km kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị.
Còn lại các dự án: Xây dựng 06 cống kiểm soát triều Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định, 25 cống nhỏ dưới đê, 7,8km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn; 02 hồ điều tiết Gò Dưa và Khánh Hội; Nạo vét, cải tạo 8,2km rạch Xuyên Tâm và một phần các rạch Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh sẽ được TPHCM huy động vốn từ nguồn xã hội hóa.
Theo chinhphu.vn