TPHCM sẽ xin ý kiến Trung ương cho cơ chế phân cấp, uỷ quyền cho các sở ngành, quận huyện để đẩy nhanh tiến độ xây mới các chung cư cũ đã xuống cấp trên địa bàn nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) - một trong số 474 khu chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng tại TPHCM. Ảnh: VGP/Phan Hoàng
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa khẳng định như vậy tại buổi làm việc với các sở ngành, quận huyện ngày 8/7, bàn về cơ chế đặc thù trong việc cải tạo và đầu tư xây dựng mới, thay thế chung cư cũ đã xuống cấp trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa cho biết, để gỡ các “nút thắt” và đẩy nhanh tiến độ thay thế các khu chung cư cũ đã xuống cấp, bên cạnh việc tập trung các nguồn lực thực hiện, TPHCM sẽ xin ý kiến Trung ương cho cơ chế “phân cấp ủy quyền”, trao quyền tự quyết cho các quận huyện chủ động triển khai.
Cụ thể, TPHCM đề xuất: sau khi phân cấp ủy quyền, các quận huyện có trách nhiệm tự tổ chức kiểm định mức độ xuống cấp; lập và phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư; lựa chọn nhà đầu tư… Sở Xây dựng đảm nhiệm vai trò giám sát, hướng dẫn các địa phương triển khai để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, qua đó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo ông Lê Văn Khoa, mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đồng ý với kiến nghị của TPHCM nhằm đẩy nhanh tiến độ thay thế các khu chung cư cũ trên địa bàn, bao gồm ý kiến đề xuất nêu trên.
Trong khi chờ văn bản chính thức của Thủ tướng, lãnh đạo UBND Thành phố yêu cầu các sở ngành, quận huyện tập trung xây dựng Dự thảo văn bản về việc phân cấp ủy quyền, trình UBND Thành phố xem xét. Trong đó, cần tổ chức đánh giá, nghiên cứu khoa học và nêu cụ thể các yếu tố thuận lợi, khó khăn của cách làm mới so với phương thức đã triển khai trước đây.
Riêng đối với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, phải được xây dựng một cách chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng để tránh khiếu nại, tranh chấp. Chậm nhất đến ngày 30/7, các sở ngành phải hoàn tất tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để làm cơ sở cho các quận, huyện triển khai.
Bên cạnh nội dung trên, các sở, ngành cũng thống nhất nhiều nội dung quan trọng để triển khai nhanh việc thay thế chung cư cũ, như: tổ chức tái định cư tại chỗ, nếu người dân không muốn ở có thể chuyển nhượng hợp đồng; dự án chung cư mới được phép tăng quy mô (tối thiểu gấp 2 lần) so với công trình hiện hữu; hoán đổi đất tại các khu đô thị mới Thành phố đã quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn TPHCM hiện có 474 chung cư cũ, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp… Thời gian qua, Thành phố đã tập trung cải tạo, xây dựng nhiều dự án chung cư mới thay thế chung cư cũ, tuy nhiên tiến độ triển khai thực tế còn chậm do “vướng” cơ chế, chính sách pháp luật liên quan.
Trong đó, một trong những “rào cản” lớn nhất là về chỉ tiêu xây dựng. Do các khu chung cư cũ hầu hết tập trung ở khu vực trung tâm Thành phố - khu vực được quy hoạch chặt chẽ, hạn chế tối đa diện tích nhà ở, gia tăng dân số… nên các dự án xây mới thay thế không “hút” được các nhà đầu tư vì lợi nhuận thấp.
Vấn đề nữa xuất phát từ chính sách tái định cư của Thành phố, do bị bố trí tái định cư ở vùng ven nên nhiều trường hợp người dân kiên quyết không chịu di dời với lý do cuộc sống bị đảo lộn.
Theo chinhphu.vn