Tạo đột phá trong chỉnh trang đô thị

Thứ sáu, 27/05/2016 12:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực tìm giải pháp xóa bỏ nhà ở ven kênh, rạch nhằm tạo sự đột phá mạnh mẽ trong việc chỉnh trang đô thị. Phương án thực hiện được hướng tới là mô hình đối tác công-tư nhằm giảm thấp nhất ngân sách nhà nước. Theo đó, sẽ giao cho những doanh nghiệp có đủ năng lực tự đầu tư, thành phố trả lại bằng đất ngay khu vực giải tỏa hoặc ở nơi khác… 

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc địa bàn quận Phú Nhuận hiện nay đã được cải tạo xanh, sạch, đẹp.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có khoảng 22 nghìn căn nhà ở ven kênh, rạch, tăng thêm 7.000 căn so với năm 2010; riêng địa bàn quận 8 còn khoảng 9.503 căn, tập trung chủ yếu dọc các tuyến kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, kênh Đôi… Trong đó, có 1.099 căn nhà nằm hoàn toàn trên kênh, rạch, 8.404 căn nhà ven kênh. Riêng khu vực kênh Đôi đã có hơn 5.300 căn với hơn 32 nghìn nhân khẩu.

Quận Bình Thạnh cũng là địa bàn có số lượng nhà ở ven, trên kênh, rạch khá lớn, tập trung tại kênh Văn Thánh với khoảng gần 1.000 căn. Hiện, dòng kênh này đang bị ô nhiễm nặng nề. Thành phố cũng đã chấp thuận chủ trương thực hiện giải tỏa, di dời 827 căn nhà ven kênh, rạch tại đây, trong đó di dời hoàn toàn 637 căn, giải tỏa một phần 190 căn.

Theo UBND quận 8, hầu hết nhà trên và ven kênh, rạch xây dựng không hợp pháp, chủ yếu là nhà lụp xụp, kết cấu tạm bợ, chắp vá. Những căn nhà loại này đều thiếu tiện nghi cơ bản, một số hộ không có đồng hồ điện riêng, phải câu nhờ nguồn điện, thiếu nhà vệ sinh, nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống rạch làm mức độ nhiễm bẩn ngày càng tăng, gây ngập úng, thiếu cơ sở hạ tầng, không bảo đảm điều kiện sống, sinh hoạt cho người dân trong khu vực.

Để giải tỏa số nhà ở ven, trên kênh Đôi, quận 8 đã đề ra hai phương án di dời. Phương án 1, di dời toàn bộ 5.352 nhà dân ven kênh với tổng vốn bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 13.700 tỷ đồng. Phương án 2 chỉ phải di dời khoảng 2.900 căn để xây dựng kè và đường giao thông dọc bờ kênh với mức kinh phí bồi thường khoảng 3.800 tỷ đồng. So sánh hiệu quả hai phương án, UBND quận 8 đề xuất thực hiện phương án 1. Mặc dù mức kinh phí bồi thường ban đầu cao hơn nhưng có khả năng tạo ra quỹ đất lớn sau giải tỏa có thể tiến hành đấu giá để bù lại kinh phí thực hiện; mặt khác, giúp chuyển biến căn bản địa bàn, xây dựng bộ mặt đô thị hiện đại.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố, vấn đề nan giải nhất trong việc giải tỏa nhà ở ven, trên kênh rạch là bố trí tái định cư. Trong 9.500 căn nhà nằm trên kênh, rạch ở quận 8 có đến một phần ba số căn có giá trị bồi thường giải tỏa thấp, số tiền không đủ để mua căn hộ tái định cư. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến người dân chưa đồng ý di dời vì họ khó tìm được nơi ở mới. Sở Xây dựng đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành để xây dựng ngay khung chính sách cho việc bồi thường tái định cư để sớm triển khai thực hiện.

Theo kế hoạch, trong năm 2016, thành phố sẽ di dời khoảng 2.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch nhằm thực hiện chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố. Trong đó, có 586 căn thuộc tám dự án đang thực hiện dở dang ở các quận 4, 7, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Tân; 1.832 căn thuộc bốn dự án đã có chủ trương đầu tư, triển khai trong năm 2016 ở các quận 5, 6, 8, Tân Phú, Bình Thạnh. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, thành phố phấn đấu di dời và giải tỏa trắng gần 20 nghìn hộ. Kế hoạch di dời sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ năm 2015 - 2020 sẽ tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch. Giai đoạn hai từ năm 2020 - 2025, sẽ hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch. Trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung di dời hàng nghìn căn nhà ven năm tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng.

Theo đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, dù có khó thế nào cũng không thể để người dân sống trong môi trường ô nhiễm như vậy. Tất cả người dân ở đây, kể cả những hộ không đủ điều kiện để được đền bù một căn hộ thì Nhà nước phải xây cho họ căn hộ mới. Thời hạn xây dựng căn hộ mới có thể tính toán trong vòng bốn năm, thay vì tới năm 2023 như phương án của Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị.

Dự án nên được triển khai theo mô hình đối tác công-tư nhằm giảm thấp nhất ngân sách nhà nước. Để làm được điều này, không cách nào khác là giao cho những doanh nghiệp có đủ năng lực tự đầu tư, thành phố trả lại bằng đất ngay khu vực giải tỏa hoặc ở nơi khác mà nhà đầu tư chấp nhận. Chỗ nào doanh nghiệp tham gia được thì để doanh nghiệp làm, còn lại thì Nhà nước lo...

Trong giai đoạn 2006 - 2015, thành phố đề ra mục tiêu di dời 15 nghìn hộ dân sống trên và ven kênh, rạch của 17 dự án thuộc bốn tuyến kênh, rạch trong nội thành. Tính đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, thành phố đã bồi thường, giải phóng mặt bằng cho gần 10.800 hộ, đạt tỷ lệ 71,9%. Như vậy, trung bình mỗi năm, thành phố đã giải tỏa, đền bù được khoảng 1.000 hộ dân. Theo đánh giá của Sở Xây dựng thành phố, kết quả thực hiện như trên là không đạt chỉ tiêu đề ra.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, thành phố đặt chỉ tiêu di dời 13 nghìn căn, nhưng cũng chỉ mới di dời được khoảng 3.000 căn nhà trên kênh, rạch.


Theo Nhân dân điện tử
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)