Theo quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, năm 2016, quận Hoàng Mai, được phép sử dụng 779,56 ha cho đất nông nghiệp, 3.252,75 ha cho đất phi nông nghiệp. UBND thành phố cũng phê duyệt danh mục 22 công trình, dự án đã cắm mốc giới giải phóng mặt bằng nhưng chưa có quyết định giao đất; 49 dự án chưa thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2015, chuyển sang thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016; 47 dự án đăng ký mới thực hiện trong kế hoạch năm 2016. Quận Tây Hồ, được phép sử dụng 368,80 ha cho đất nông nghiệp, 1.994,92 ha cho đất phi nông nghiệp. Còn lại 75,3 ha làm đất dự phòng chưa sử dụng. UBND thành phố cũng phê duyệt danh mục 70 công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của quận. Huyện Đan Phượng có tổng diện tích sử dụng đất là 7.800,36 ha, trong đó: đất nông nghiệp 3.330,69 ha; đất phi nông nghiệp 3.419,15 ha; đất chưa sử dụng 1.050,53 ha. Các công trình, dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 là 45 dự án...
UBND thành phố cũng vừa ban hành quyết định thu hồi 35.075m2 đất tại 29 phố Liễu Giai, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) để giao cho một công ty xây tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp. Ngoài ra, nhiều quy hoạch khác đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện, như quy hoạch chung thị trấn Phù Đổng và Kim Hoa; các đồ án quy hoạch phân khu H1-1(A+B+C), Hl-2, H1-3, H1-4, R1-KR.5, R6, GN-A; quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và phụ cận; quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000...
Tại hội thảo giữa kỳ Xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia (NUDS) - giai đoạn 1 được tổ chức mới đây, các chuyên gia phân tích, trong 10 năm gần đây, đô thị của Việt Nam phát triển mạnh mẽ về quy mô. Cũng vì thế, các địa phương, nhất là Hà Nội đang phải chịu những áp lực lớn, những bất cập về dịch vụ xã hội, hạ tầng giao thông mà thể hiện rõ nhất là áp lực hạ tầng giao thông khi cứ ra đường thấy cảnh ùn tắc. Các tồn tại trong phát triển đô thị do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do sự thiếu vắng các kế hoạch hành động phù hợp để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia do Nhà nước đặt ra. Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế hiệu quả để huy động và điều phối các nguồn lực phục vụ công tác đầu tư phát triển đô thị tại các địa phương. Để giảm tải áp lực đô thị, trước hết, từ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch tổng thể đô thị, và nhất là Quyết định số 768/QĐ-TTg, điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Chính phủ ban hành (phạm vi Vùng Thủ đô gồm Hà Nội và chín tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang)... cần phải có sự đồng bộ trong triển khai. Cùng với đó, nên chuyển các cơ sở giáo dục sau trung học phổ thông và các cơ sở y tế ra khu vực ngoại ô. Tại nội đô chỉ còn các cơ sở giáo dục từ mẫu giáo đến trung học phổ thông và y tế đủ phục vụ cho cư dân. Thực hiện nghiêm túc việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các bệnh viện lớn ra khu vực ngoại thành...
Tất cả đều phải xuất phát từ quy hoạch để kiểm soát, phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và đặc biệt phải bám sát các quy hoạch vùng - quy hoạch chung - quy hoạch phân khu. Như vậy, mới xác định được khu vực hợp lý dành để phát triển đô thị, tiếp đến là khâu phân chia dự án, thu xếp nguồn vốn và kêu gọi đầu tư. Để các đô thị phát triển bền vững và giữ thăng bằng cán cân cung - cầu, cần bảo đảm quy trình này được vận hành đúng - như một chuyên gia phân tích.
Theo Nhân dân điện tử