Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, ngay từ đầu năm 2016, thành phố đã giao Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan quan tâm, tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho khối giáo dục, nhất là tại các khu vực vùng xa. 13 huyện, thị xã được thành phố hỗ trợ xây dựng trường học lần này đều đang gặp nhiều khó khăn về ngân sách. Hằng năm, thành phố thường phải bổ sung cân đối ngân sách cho các huyện này. Hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo còn nhiều bất cập, thiếu thốn, mới có số ít các trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện Ba Vì vẫn còn một số phòng học tạm; huyện Mỹ Đức còn ba điểm học lẻ, phân tán; huyện Sóc Sơn còn thiếu 300 phòng học; huyện Phú Xuyên mới có 18 trong tổng số 88 trường đạt chuẩn quốc gia…
Trước khó khăn trên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đồng ý cho triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành 26 trường học cho 13 huyện, thị xã ngay trong năm 2016 theo hình thức: thành phố cấp kinh phí một lần, trọn gói. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm triển khai thực hiện đồng bộ, bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chung cho cả nước. Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đề xuất báo cáo, bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng. 26 dự án xây trường bao gồm mười trường THCS, bảy trường tiểu học và chín trường mầm non, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 670 tỷ đồng.
UBND thành phố yêu cầu các trường được đầu tư xây dựng phải bảo đảm các tiêu chí “nhanh, gọn” và chất lượng cao hơn trường đạt chuẩn quốc gia. Về vật liệu xây dựng, các vật liệu như: gạch, đường ống nước, bóng đèn, quạt, cánh cửa, thiết bị vệ sinh… phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho các em học sinh. Trang bị hệ thống đèn led để cung cấp đủ ánh sáng, giảm tình trạng học sinh bị cận thị và các vấn đề về mắt. Về diện tích xây dựng, các phòng học phải bảo đảm diện tích đúng quy chuẩn, trang bị thêm nhiều phòng học bộ môn, phòng học phụ trợ, phòng sinh hoạt chung… Bảo đảm cung cấp đủ nước sạch sinh hoạt cho thầy, cô, cán bộ và các em học sinh trong trường. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng, trong quá trình xây dựng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã gặp một số bất cập như diện tích đất chật hẹp, cho nên mật độ xây dựng chưa bảo đảm, thiếu nhiều phòng học phụ trợ, khu vực sinh hoạt tập thể, sân thể dục, thể thao… Do đó, với địa bàn các huyện ngoại thành có thuận lợi về diện tích, cần tính toán và bố trí xây dựng đầy đủ, nhất là các hạng mục như căng-tin, nhà ăn bán trú, trạm biến áp, thư viện, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ, sân thể thao…
Các huyện, thị xã được nhận hỗ trợ xây trường đều ủng hộ và cam kết sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, đại diện các huyện, thị xã cũng cho rằng, để đạt yêu cầu về chất lượng cao hơn trường chuẩn quốc gia thì cần thêm vốn xây dựng, đề nghị thành phố bố trí thêm nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết: “Nếu Trường tiểu học Hợp Tiến A được xây dựng sẽ giúp tập trung được ba điểm trường nhỏ lẻ trên địa bàn huyện lại. Về diện tích xây dựng, hầu hết các địa phương đều bố trí quỹ đất xây trường theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới từ trước, cho nên sẽ bảo đảm được quỹ đất sạch, đáp ứng yêu cầu. Đề nghị Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Kho bạc Nhà nước và các sở, ngành liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, kịp thời đưa các trường vào hoạt động trong năm học 2017-2018 tới đây”.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “26 trường mới xây này cần thống nhất và hoàn chỉnh thiết kế, xây dựng, lấy đó làm tiêu chuẩn để tới đây xây dựng các trường khác. Các địa phương phải ưu tiên bố trí diện tích xây trường càng rộng càng tốt. Đồng thời, tổ chức đấu thầu xây dựng công khai, lựa chọn nhà thầu, đơn vị xây dựng uy tín, bảo đảm chất lượng; liên hệ với các nhà sản xuất vật liệu, thiết bị lớn để giảm giá thành, có chế độ bảo hành tốt, lâu dài. Quan trọng nhất là lên phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ nhà trường để sau khi xây dựng xong vào cuối năm 2016, các trường đủ điều kiện đi vào hoạt động ngay, tránh lãng phí”. Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, vào khoảng tháng 7, 8 tới đây, thành phố sẽ tiếp tục triển khai một đợt xây dựng các trường học mới phục vụ nhu cầu nhân dân, góp phần từng bước nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục của Thủ đô.
Theo Nhân dân điện tử