Do vị tríđặc thù về địa lý và vai trò trong nền kinh tế – xã hội, từ lâu TP HCM và Hà Nội đã được xác định là đô thị đặc biệt. Và vì thế cũng đòi hỏi có một cơ chế chínhquyền đô thị đặc biệt cho TP HCM tương tự như Luật Thủ đô tại Hà Nội.
Trong suốt hai thập kỷ qua TPHCM đóng góp hơn 20% tỷ trọng GDP của cả nước và đóng góp 30% nguồn thu ngân sách cả nước, nhưng TPHCM chỉ được giữ lại gần 25% nguồn thu ngân sách để chi cho đầu tư và phát triển của Thành phố.
Một tiền đề để TP HCM thực sự được nâng cấp và phát triển tương xứng vị thế đặc khu kinh tế là được toàn quyền quyết định về cơ chế thu tiền sử dụng đất trên địa bàn. Hiện nay, tiền sử dụng đất của các DN bất động sản nói chung vẫn là ẩn số do chưa có một cơ chế quy định hợp lý mà minh bạch, nhà đầu tư chưa thể tiên lượng số tiền phải nộp trước khi quyết định đầu tư. Tiền sử dụng đất cũng là “gánh nặng” mà gần như chủ đầu tư phải mua lại quyền sử dụng lần thứ hai. Tiền sử dụng đất lần 2 được nộp tương đương khoảng 80% tiền sử dụng đất mua trực tiếp của người dân lần 1. Đó là một trong những gốc rễ phát sinh tệ nạn “xin – cho”.
Nguồn lực cho hạ tầng
Vì vậy TPHCM hiện đang thiếu nguồn lực để cải thiện hệ thống hạ tầng và phát triển các lợi thế riêng có. Cơ chế hạn hẹp với nguồn thu được giữ lại cũng khiến TPHCM bị hạn hẹp cả động lực lẫn tâm lý phát triển. Ngay cả đề xuất của Thành phố đề nghị được xác định tỷ lệ nguồn thu giữ lại có kế hoạch ổn định trong 5 năm như hiện cũng chưa được chủ trương chấp thuận. Điều đó càng làm hạn chế nỗ lực tăng tổng nguồn thu và bị động trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển dài hạn.
Việc đánh đồng các đóng góp, quyền lợi và nghĩa vụ của các tỉnh, thành phố như nhau, trong khi lẽ ra đánh giá, nhìn nhận phải dựa trên vị trí và đặc thù của TPHCM và Hà Nội, so với 61 tỉnh thành còn lại thực sự chưa phù hợp với hoạt động đặc thù của đô thị đặc biệt. Vì vậy cần khẳng định là để phát triển, rất cần có cơ chế đặc thù cho TP HCM, mà trước nhất chính là cơ chế chính quyền đô thị.
Việc được thực hiện cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị, tất yếu tác động rất lớn đến kinh tế – xã hội của Thành phố, đặc biệt và trước hết là tác động đến diện mạo quy hoạch cũng như xu thế phát triển của thị trường bất động sản – thị trường mà toàn kinh tế – xã hội đều vận hành trên cái nền quan trọng đó. Còn nhớ tại Kuala Lumpur hơn 10 năm trước, đối với mô hình chính quyền bản xứ, họ đã thực hiện được việc nhận, duyệt một dự án đầu tư ở khu vực trong thời gian chỉ tối đa tháng. Nếu là dự án trọng điểm của Nhà nước, mọi thủ tục được thực hiện chỉ trong vòng 7 – 10 ngày. Cũng ở Kuala Lumpur, quy hoạch đô thị của Thành phố này đã được xác lập cụ thể, trong đó đặc biệt thiết kế đô thị đã được chuẩn hóa đến từng lô đất một. Vì vậy chính quyền hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian xem xét giải quyết đề xuất đầu tư của các doanh nghiệp nói chung trong đó có các DN bất động sản. Trong khi đó hiện nay ở TPHCM, tổng thời gian để xem xét phê duyệt 1 dự án bất động sản trung bình mất từ 3-5 năm, thậm chí có những dự án mất nhiều thời gian hơn thế.
Trách nhiệm người đứng đầu
Cơ chế chính quyền đô thị cũng phải đi đôi với cơ chế bổ nhiệm và trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó phải đi đôi nhất thể hóa một số vị trí như Bí thư và Chủ tịch UBND ở một số đơn vị hành chính theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn, nâng cao chất lượng công tác quản lí Nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản. Và vô cùng quan trọng đối với diện mạo và sức sống của một thành phố đang ấp ủ hướng đến bắt kịp và sánh những với đô thị phát triển vượt bậc của thế giới, xuất phát từ nhìn nhận lại thực tế của mình, việc thực hiện chính quyền đô thị cũng sẽ nâng cao được chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, hạn chế được tình trạng phát triển đô thị manh mún kiểu “vết dầu loang” theo tốc độ bùng nổ dân số qua từng năm.
Mô hình chính quyền đô thị với vị thế đặc khu kinh tế cũng là một trong những tiền đề để huy động được các nguồn lực tư nhân vào phát triển đầu tư xã hội, bù đắp cho nguồn lực đầu tư đang được giữ lại khá hạn hẹp trong tổng thu ngân sách lớn hàng năm mà Thành phố hiện có. Đó chính là đòn bẩy để chúng ta có một TPHCM phát triển tương xứng tầm vóc của một đặc khu – Hòn ngọc Viễn đông.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp