Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực này cũng như các doanh nghiệp tham gia. Đây được xem là cách tiếp cận xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của xu thế này đối với ngành VLXD Việt Nam.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là vùng đất có tiềm năng về nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) như đất sét, cát trắng, cao lanh sunfat, đá vôi, đá granite… Với một thị trường đầy tiềm năng, trong những năm qua ngành sản xuất VLXD Miền Trung – Tây Nguyên đã có bước phát triển đáng khích lệ.
Tuy nhiên, năm 2016, với sự hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập hiệp định TPP, sản phẩm trong nước nói chung và ngành VLXD nói riêng đang phải chịu sự cạnh tranh cao độ. Nếu không đảm bảo được chất lượng sản phẩm thì hàng Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Đại diện Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho rằng việc quản lý chất lượng VLXD có ý nghĩa hết sức quan trọng, gắn liền với công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo sự ổn định và bền vững của công trình. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng theo hướng phát triển bền vững.
Theo đó, chất lượng sản phảm phải được quan tâm, quản lý từ khâu sản xuất, nhập khẩu. Trong quá trình thi công công trình cấn kiểm tra, giám sát và nghiệm thu chất lượng VLXD.
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành và tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều văn bản triển khai công tác quản lý chất lượng VLXD trên địa bàn và triển khai đến các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VLXD. Đơn vị nào không có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy của sản phẩm sẽ không được công bố giá VLXD và bị xử phạt hành chính.
Đồng thời, để quản lý chất lượng VLXD trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu VLXD; kiểm tra, xử lý các vi phạm về chất lượng VLXD lưu thông trên thị trường; kiểm tra tình hình chất lượng VLXD sử dụng tại các công trình, nếu chủ thể tham gia xây dựng vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc…
Đầu tư phát triển gạch không nung
Trong thời gian qua, việc phát triển sản phẩm thân thiện môi trường – gạch không nung đang là điểm mạnh của ngành VLXD. Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn đất công nghiệp, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm…
Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc đầu tư phát triển sản xuất sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu lâu dài của ngành VLXD. Hội thảo “Phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng khu vực Miền Trung – Tây Nguyên năm 2016” đã có những tham vấn để giải quyết những tồn tại và phát huy lợi thế nhằm đem sản phẩm gạch không nung phổ biến rộng rãi trên thị trường.
Địa bàn Miền Trung – Tây Nguyên có điều kiện hết sức thuận lợi về nguyên liệu cho sản xuất gạch không nung. Hiện, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên có hơn 15 dây chuyền sản xuất gạch không nung với hơn 700 triệu viên/năm. Sản phẩm được thị trường chấp nhận, bước đầu tiêu thụ tốt. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện sản xuất và đưa vào sử dụng trong công trình còn gặp nhiều khó khăn.
Các tổ chức tín dụng chưa mặn mà với việc cho vay dự án, các doanh nghiệp chưa nắm bắt hết chủ trương, lợi ích của sản phẩm gạch không nung cũng như công nghệ sản xuất của loại vật liệu này. Việc thực hiện đưa sản phẩm gạch không nung vào các công trình theo quy định của Chính phủ, Bộ xây dựng không nghiêm túc.
Chính vì thế, ngoài việc giới thiệu về công nghệ chế tạo dây chuyền sản xuất gạch, ngói không nung hội thảo cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Hội VLXD, lãnh đạo Sở xây dựng các tỉnh cần phải tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu, tuyên truyền, quán triệt trong sử dụng và đầu tư sản xuất vật liệu không nung. Chính phủ, Ngành xây dựng và các địa phương các tổ chức tín dụng nhà nước cần có chính sách cụ thể trong khuyến khích các đơn vị đầu tư và sử dụng gạch xây lát không nung.
Nhằm góp phần bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững cho ngành VLXD, TP. Đà Nẵng đã ban hành chủ trương sử dụng gạch không nung cho các công trình bắt buộc. Hiện 100% các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đều sử dụng gạch không nung.
Áp lực hội nhập
Ông Bùi Xuân Lịch, Phó Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung - Tây Nguyên khi đề cập đến tác động của các Hiệp định thương mại tự do đến ngành VLXD Việt Nam đã nhấn mạnh rằng: Trong thời gian tới, cạnh tranh trên thị trường VLXD sẽ quyết liệt hơn bởi kinh tế trong nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. Đây cũng là thời gian Việt Nam cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0% và 7% và hình thành khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Đáng chú ý, thời gian qua, ngành VLXD trong nước đầu tư ào ạt, dàn trải và thiếu định hướng chiến lược, dẫn đến cung vượt cầu, tranh mua tranh bán. Trong khi đó, ngày càng nhiều sản phẩm VLXD nội địa lại bị hàng ngoại chèn ép ngay trên sân nhà.
Để giải bài toán cung vượt cầu, giảm tồn kho trước sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp trong ngành VLXD phải nâng sức cạnh tranh sản phẩm bằng nhiều chiến lược khác nhau, đồng thời chú trọng hơn vào nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu qua một số thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định, chủ động trước thời cơ và thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Các doanh nghiệp VLXD trong nước cần cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và giá thành sản xuất. Các DN cần chủ động tạo cầu nối liên kết với các Hiệp hội ngành hàng nhằm phát huy tốt sức mạnh công đồng DN , xây dựng thương hiệu ngành hàng phát triển bền vững hơn . Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu VLXD. Cụ thể, quan tâm hơn đến hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt cần xây dựng thương hiệu, mạng lưới tiếp thị, phân phối sản phẩm thật tốt để giúp doanh nghiệp trong nước ứng phó trước sức ép cạnh tranh khi hội nhập. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới đồng bộ nhằm tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các thị trường mới hiệu quả nhất.
Theo ông Trần Xuân Đính - Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung - Tây Nguyên: Hội thảo lần này đã mở ra cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là đối với những công nghệ sản xuất gạch không nung và những công nghệ sản xuất VLXD hiện đại và cao cấp khác. Đây còn là cơ hội tạo mối liên kết, giao thương giữa các doanh nghiệp nhằm khích lệ, động viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt, mạnh dạn đầu tư, đưa ngành VLXD miền Trung-Tây Nguyên đổi mới, phát triển một cách bền vững.
Theo VLXD.org