Hiện nay, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Nam Định đã tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đảm bảo môi trường, từng bước cung ứng sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh công nghệ sản xuất hiện đại đang dần chiếm ưu thế, tiệm cận với trình độ quốc tế vẫn còn tồn tại nhiều hình thức sản xuất lạc hậu như sản xuất gạch thủ công, sản xuất gạch nung, khai thác cát…
Đối với sản xuất gạch đất sét nung, hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn 4 kiểu lò khác nhau là lò tuynel, lò vòng Hoffman cải tiến, lò đứng liên tục và lò thủ công. Đa số địa điểm nhà xưởng của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thường được phân bố gắn với nguồn nguyên liệu sản xuất. Sản xuất gạch ốp lát tại Thành phố Nam Định, sản xuất bê tông các loại tập trung chủ yếu ở huyện Ý Yên và Thành phố Nam Định; cơ sở sản xuất gạch nung được sản xuất tại địa bàn, trong đó phần lớn tại huyện Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Nghĩa Hưng.
Ngoài 12 cơ sở sản xuất gạch không nung, gạch lát terazzo với quy mô vừa được phân bố tại Thành phố Nam Định, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Mỹ Lộc, còn lại các cơ sở thủ công công suất phổ biến dưới 1 triệu viên/năm được phân bố đều tại các huyện. Hiện tại, Nam Định không có nguồn nguyên liệu sản xuất gạch nung do vậy nguyên liệu phải nhập từ các tỉnh lân cận, mặt khác do thị hiếu tiêu dùng và chất lượng gạch không nung chưa cao, hầu hết các cơ sở đều hoạt động dưới công suất thiết kế.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty CP Gạch không nung 567, KCN Hoà Xá (TP Nam Định).
Để phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, Nam Định chủ động xây dựng quy hoạch, sắp xếp lại hoạt động khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng nhằm xóa bỏ công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến, sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị trường hội nhập.
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tiến hành nghiên cứu nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020. Qua số liệu tổng hợp thống kê và dự báo nhu cầu sử dụng, tỉnh ta đã xác định đến năm 2020, khối lượng vật liệu xây dựng toàn tỉnh cần sử dụng bao gồm xi măng 1,8 - 1,9 triệu tấn, vật liệu lợp 5,9 triệu m2, đá xây dựng 3,4 triệu m3, cát xây dựng 4,2 triệu m3… Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng kết hợp nhu cầu san lấp xây dựng các khu, cụm công nghiệp, xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Hải Hậu, công trình giao thông vận tải, đất ở, đất đô thị nên nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh ta thời gian tới có thể ở mức cao hơn.
Từ đó Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị tư vấn xây dựng điều chỉnh bổ sung quy hoạch vật liệu xây dựng tỉnh theo hướng bền vững, phù hợp với nhu cầu sử dụng, năng lực đầu tư phát triển sản xuất của địa phương và phải bám sát các định hướng về sản xuất vật liệu xây dựng của Trung ương trong thời gian tới. Về quan điểm phát triển, năng lực, hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng được tập trung điều chỉnh mục tiêu từ “đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế” sang hướng đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước do bị hạn chế về nguồn tài nguyên khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như sét gạch ngói và cát san lấp.
Thời gian tới, Sở sẽ tích cực phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) điều chỉnh, thống kê hiện trạng sản xuất vật liệu xây dựng, tiến hành đối chiếu với các mục tiêu, kế hoạch của quy hoạch cũ, đồng thời xin ý kiến đóng góp của các ngành chuyên môn, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch. Trong đó chú trọng điều chỉnh phương án quy hoạch đối với từng loại vật liệu xây dựng như gạch không nung, cát xây dựng, vật liệu ốp lát, bê tông theo hướng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Mục tiêu trọng tâm là phát triển các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, có hàm lượng công nghệ và chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận, đảm bảo tiết kiệm tối đa tài nguyên môi trường, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh hiện có về vật liệu xây dựng của tỉnh. Phấn đấu trong tháng 3/2016, Sở sẽ cùng với đơn vị tư vấn trình UBND tỉnh thẩm định và phê duyệt quy hoạch mới về phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng tạo điều kiện thúc đẩy các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện sớm.
Theo baonamdinh.vn