Quy hoạch Hà Nội đã đi những bước mới

Thứ ba, 16/02/2016 16:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (QH-KT), quy hoạch phải luôn đi trước, có chất lượng cao và phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo Thủ đô phát triển đồng bộ, bền vững.

Bước tiến mới trong quy hoạch đô thị

Trong quá trình phát triển của Thủ đô, quy hoạch xây dựng là động lực, cũng là công cụ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội triển khai công tác quy hoạch theo định hướng của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (phê duyệt năm 1998) áp dụng cho phạm vi địa giới hành chính cũ với diện tích 921 km2, số dân 2,5 triệu người.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.

Tuy nhiên, các đồ án mới chỉ dừng lại ở quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch giao thông tỷ lệ 1/5.000-1/2.000 và chưa có những quy định cụ thể về thiết kế đô thị. Hệ thống hạ tầng xã hội và các quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật cũng mới chỉ được nghiên cứu ở tỷ lệ 1/25.000-1/10.000.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội có diện tích 3.344,5 km2 với số dân gần 6,5 triệu người, đòi hỏi phải có một định hướng dài hạn để vươn mình trở thành Thủ đô lớn, tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Nhất là sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đứng trước cơ hội và thách thức mới.

Quy hoạch trong thời gian này được đặc biệt coi trọng. Thành ủy đã ban hành Chương trình 06 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011-2015” và chỉ đạo UBND thành phố, các cấp, ngành tập trung thực hiện. Công tác quy hoạch giai đoạn này đã được triển khai đồng bộ, tổng thể trên diện rộng và gắn với việc hoạch định các không gian phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là lần đầu một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch, được triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị; công tác lập quy hoạch thật sự mang tính dân chủ với sự tham gia sâu rộng của cộng đồng nhân dân.

Sau hơn 3 năm triển khai với một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch, quy chế, quy định quản lý đến nay, 33/35 đồ án quy hoạch phân khu, 30/33 các đồ án Quy hoạch chung đã được thông qua tập thể UBND Thành phố. Các Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cũng đã được triển khai phục vụ công tác quản lý.

Công tác lập quy hoạch thật sự mang tính dân chủ với sự tham gia sâu rộng của cộng đồng nhân dân.

Song song với đó, một số Quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị cũng được khẩn trương thực hiện, cụ thể, trên 420 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường đã được phê duyệt. Một số đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng đã hoàn thành: Khu trung tâm Tây Hồ Tây; Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Nhờ thực hiện khẩn trương công tác quy hoạch, cho nên lĩnh vực đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố khá sôi động, nổi bật là lĩnh vực giao thông và phát triển nhà ở… Công tác quy hoạch cũng nhằm giảm áp lực về dân số, môi trường đối với khu vực nội thành cũ và trung tâm Thành phố; có điều kiện phát triển các vành đai xanh, không gian mở cho Thủ đô.

Quy hoạch đi trước, giảm áp lực trung tâm thủ đô

Nhìn nhận những lợi thế, cơ hội và khó khăn, thách thức cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, bên cạnh những thành tựu, công tác quy hoạch vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Đó là chất lượng một số đồ án quy hoạch trong giai đoạn trước còn chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc phải điều chỉnh; việc cải tạo các khu chung cư cũ, di dời các trường đại học, cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp ra ngoài khu vực nội đô có quan tâm, nhưng còn chậm…

“Quy hoạch trên toàn thành phố phải mang tính khả thi cao, bảo đảm tính hệ thống, tầng bậc với sự thống nhất của cộng đồng dân cư, tạo thành bộ công cụ hoàn chỉnh. Cần đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, nhất là tình trạng quá tải hiện nay trong các khu vực nội đô…” – Giám đốc Sở QH-KT nói.

Về việc triển khai công tác quy hoạch trong thời gian tới, Hà Nội sẽ lập kế hoạch dài hạn cải tạo đô thị, thực hiện bằng các dự án lớn (trên một khu vực đô thị rộng) để kết nối hạ tầng kỹ thuật, từng bước chỉnh trang khu đô thị cũ. Bên cạnh đó, sẽ tập trung phát triển mạnh khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng và phía Tây nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô. Quy hoạch phải luôn đi trước, có chất lượng cao và phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo Thủ đô phát triển đồng bộ, bền vững.


Theo vietnamnet.vn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)