Điều chỉnh quy hoạch Vùng thành phố Hồ Chí Minh

Thứ hai, 18/01/2016 15:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vùng TPHCM là vùng đô thị có vai trò vị thế chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia. Vùng TPHCM phát triển theo mô hình “Tập trung, đa cực, thích ứng”. Vùng trung tâm và các cực tăng trưởng được kết nối với nhau nhờ hệ thống giao thông công cộng và các trục hành lang tăng trưởng xuyên tâm, hướng tâm và các trục vành đai liên kết vùng.

Có đề xuất cấu trúc không gian TPHCM theo mô hình nén - tập trung - đa trung tâm và thích ứng

Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam thuộc Bộ Xây dựng đã hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. KTS Ngô Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam đã cho PV Báo SGGP biết một số nội dung cơ bản của đồ án quy hoạch này.

Tập trung, đa cực, thích ứng

Vùng TPHCM là vùng đô thị có vai trò vị thế chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia. Vùng TPHCM phát triển theo mô hình “Tập trung, đa cực, thích ứng”. Vùng trung tâm và các cực tăng trưởng được kết nối với nhau nhờ hệ thống giao thông công cộng và các trục hành lang tăng trưởng xuyên tâm, hướng tâm và các trục vành đai liên kết vùng.

Sự phân bố các vùng phát triển trong Vùng TPHCM nhằm mục đích cân bằng không gian lãnh thổ và phát huy vai trò vị thế, tiềm năng của các tỉnh. Vùng TPHCM được phân thành 4 vùng không gian kinh tế như sau:

Vùng Trung tâm:

Bao gồm trung tâm TPHCM, huyện Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Trong đó TPHCM là đô thị hạt nhân trung tâm vùng. TP Bình Dương là động lực phát triển phía Bắc, TP Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là động lực phát triển phía Đông của vùng.

Chiến lược phát triển vùng trung tâm bao gồm: phát triển không gian đô thị theo hướng mô hình nén - thích ứng, hiện đại, bền vững; phát triển trung tâm tri thức, sáng tạo; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch có hàm lượng giá trị gia tăng cao…

Vùng phát triển phía Đông:

Bao gồm đô thị Long Khánh và các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, một phần huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) và toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó TP Vũng Tàu là trung tâm cực phát triển trọng điểm phía Tây Nam của vùng. TP Long Khánh là trung tâm cực phát triển trọng điểm phía Đông của vùng.

Chiến lược phát triển bao gồm: phát triển đô thị Phú Mỹ và Cái Mép -Thị Vải vùng công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp đa ngành, công nghiệp khai thác dầu khí, công nghiệp cảng; phát triển dịch vụ logistics tầm quốc tế gắn với hành lang xuyên Á và đầu mối cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép, Sao Mai - Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành…

Vùng phát triển phía Bắc:

Bao gồm các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và toàn bộ tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Phước. Trong đó đô thị Chơn Thành là trung tâm cực phát triển trọng điểm phía Bắc của vùng. Trảng Bàng - Gò Dầu (Tây Ninh) là trung tâm cực phát triển trọng điểm phía Tây Bắc của vùng.

Chiến lược phát triển bao gồm: phát triển các khu công nghiệp đa ngành gắn với đô thị, các khu phi thuế quan của khu kinh tế cửa khẩu…

Vùng phát triển phía Tây Nam:


Gồm tỉnh Long An (trừ huyện Đức Hòa và Cần Giuộc) và toàn tỉnh Tiền Giang. Trong đó TP Mỹ Tho, TP Tân An là đô thị trung tâm của vùng Tây Nam.

Chiến lược phát triển bao gồm: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh (trồng lúa, cây ăn quả), đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái.

Phân bố hệ thống đô thị gồm:

1) Hệ thống đô thị vùng trung tâm gồm đô thị hạt nhân vùng là trung tâm TPHCM, đô thị trọng điểm phía Bắc là TP Bình Dương; phía Đông TP Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch; phía Tây Bắc Củ Chi, Đức Hòa; phía Nam Bến Lức, Cần Giuộc.

2) Hệ thống đô thị cực phát triển trọng điểm các tiểu vùng gồm đô thị trung tâm vùng phía Bắc là Chơn Thành; phía Đông là Long Khánh; phía Tây Nam là TP Mỹ Tho, Tân An; phía Đông Nam là TP Vũng Tàu; phía Tây Bắc là Trảng Bàng, TP Tây Ninh.

3) Hệ thống đô thị các tiểu vùng gồm hệ thống đô thị phân tán các tiểu vùng phía Đông, phía Bắc và phía Tây Nam.

4) Hệ thống đô thị trung tâm chuyên ngành.

Về phát triển vùng đô thị trung tâm, phải được quy hoạch phát triển như một thực thể thống nhất bao gồm: TPHCM, trung tâm TP Bình Dương, TP Biên Hòa, TP Long Thành, TP Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP Phú Mỹ…

Cần phải phát triển các chức năng trọng điểm khác nhau cho các trung tâm đô thị bổ trợ. Cần chú trọng hơn việc giảm nguy cơ ngập lụt trong tương lai bằng cách tránh phát triển thêm tại các khu ngập lụt và cấm phát triển tại các khu vực đặc biệt. Giảm mật độ và nâng cao cơ sở hạ tầng ở các khu vực nghèo.

Vùng đô thị trung tâm trong tương lai nên phát triển nén tập trung. Chỉnh trang vùng đô thị trung tâm TPHCM, phát triển lên phía Bắc vùng đô thị Bình Dương, phát triển sang phía đông vùng đô thị Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch, phát triển lên phía Tây Bắc vùng đô thị Củ Chi - Đức Hòa.

Đề xuất mô hình cho TPHCM


TPHCM là đô thị hạt nhân - trung tâm tri thức sáng tạo, động lực phát triển kinh tế của toàn vùng, là trung tâm tài chính thương mại tầm khu vực, trung tâm dịch vụ chất lượng cao. Về mô hình phát triển và cấu trúc không gian, TPHCM được phát triển theo mô hình nén - tập trung - đa trung tâm và thích ứng.

Cấu trúc không gian đô thị: Các trục không gian chủ đạo và kết nối vùng bao gồm trục xuyên tâm Đông - Tây Nam, Tây Bắc - Nam. Các trục hướng tâm, các trục vành đai 2, 3, 4. Cấu trúc các vùng phát triển không gian đô thị: vùng trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km; vùng phát triển đô thị phía đông, vùng phát triển đô thị phía Tây Bắc; vùng phát triển đô thị phía Nam và phía Tây - Tây Nam. Các đô thị vệ tinh Hiệp Phước - Củ Chi. Phát triển cảnh quan dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn; bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái trong khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, trong khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.

TPHCM hình thành 4 vùng phát triển đô thị chính trên cơ sở hình thái không gian đô thị hiện hữu, các đặc thù về tự nhiên và cảnh quan:

Khu vực trung tâm thành phố lịch sử: Chỉnh trang đô thị theo hướng không tăng mật độ dân cư, nâng cao chất lượng cảnh quan và môi trường; bảo vệ hệ thống công viên đô thị, tăng diện tích cây xanh cảnh quan đô thị và kết nối các tuyến sông, kênh và các không gian mở.

Khu vực Đông Bắc: Phát triển theo mô hình nén với mật độ vừa phải, tránh phát triển dàn trải quá nhiều dự án khu đô thị, công nghiệp; hạn chế các phát triển thiếu kiểm soát dọc theo các trục quốc lộ, tỉnh lộ và cao tốc; hình thành các công viên chuyên đề, công viên đô thị, nông nghiệp đô thị, bảo vệ hệ sinh thái ven sông và các không gian mặt nước.

Khu vực phía Tây Bắc và Củ Chi: Phát triển nén, tập trung với mật độ vừa phải, bảo vệ không gian nông nghiệp xung quanh, tránh phát triển dàn trải trên tuyến đường Xuyên Á.

Khu vực phía Nam - Tây Nam và Hiệp Phước: phát triển không gian đô thị thích ứng, bảo vệ sinh thái ngập nặm ven biển và không gian sông nước cho TPHCM trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.


Mô hình đa trung tâm: Phát triển TPHCM theo mô hình đa trung tâm nhằm giảm áp lực cho khu vực trung tâm hiện hữu, phân tán hệ thống các trung tâm chuyên ngành, các đầu mối dịch vụ hạ tầng xã hội. Các trung tâm được kết nối đa phương tiện, đặc biệt là các tuyến metro và các phương tiện giao thông công cộng khác.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh


 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)