Theo quyết định của Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, để tháo dỡ diện tích xây dựng vi phạm sai so với Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 của Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên có trách nhiệm giao quyết định đến Công ty Cổ phần May Lê Trực; ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn, thẩm tra phương án phá dỡ (do Sở Xây dựng giới thiệu). Phương án phá dỡ phải đảm bảo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 351/TB-VPCP ngày 2/11/2015 và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tại Văn bản 7869/UBND-TH ngày 3/11/2015.
Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên ký hợp đồng với đơn vị phá dỡ và tổ chức thực hiện phá dỡ đã được Sở Xây dựng, Phòng Quản lý Đô thị cho ý kiến đảm bảo đúng trình tự quy định pháp luật; đồng thời thực hiện theo đúng hướng dẫn cầu Sở Xây dựng và Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận tại văn bản số 59 ngày 5/1/2015.
Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đồng thời yêu cầu chủ đầu tư công trình nhà 8B Lê Trực có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của lực lượng thi hành quyết định cưỡng chế; chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí lập, thẩm định phương án, chi phí tổ chức cưỡng chế và chịu mọi thiệt hại phát sinh liên quan đến an toàn công trình, phương án cải tạo trong, sau quá trình cưỡng chế phá dỡ phần công trình xây dựng sai so với giấy phép được cấp.
Liên quan đến việc xử lý những sai phạm về trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), Thanh tra thành phố Hà Nội đã có kết luận về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm tại công trình này.
Theo Kết luận của Thanh tra thành phố, việc xây dựng của chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và việc quản lý trật tự xây dựng của các cơ quan quản lý Nhà nước đã có vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ rõ, Công ty cổ phần May Lê Trực (đơn vị chủ đầu tư) đã tiến hành thi công công trình khi không có giấy phép xây dựng, vi phạm Khoản 2, Điều 10 Luật Xây dựng năm 2013; Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 180/2007 của Chính Phủ. Sau khi được cấp phép, công ty không thực hiện phá dỡ hạng mục công trình đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng; thi công các tầng nổi sai chiều cao và diện tích, không để khoảng lùi, xây dựng trái phép tầng 19 và tum thang của công trình so với hồ sơ thiết kế kèm theo Giấy phép được cấp. Không những vậy, chủ đầu tư không thực hiện yêu cầu của cơ quan Nhà nước về việc đình chỉ thi công vi phạm trật tự xây dựng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiệm trọng, vi phạm Khoản 2, Điều 10, Điểm d, Khoản 2, Điều 68 Luật Xây dựng năm 2003 và Điều 6,7,8, Mục c, Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 180/2007.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đã yêu cầu chủ đầu tư lập phương án phá dỡ. Mặc dù chủ đầu tư đã lập phương án phá dỡ gồm hai giai đoạn nhưng chưa phù hợp với tiến độ, giải pháp phá dỡ, và Sở Xây dựng đã có ý kiến. Tuy nhiên, đến ngày 10/12/2015, chủ đầu tư chưa hoàn chỉnh phương án phá dỡ và mới lắp dựng dàn giáo bao che ngoài tầng 1-5 và tầng 19, phần phá dỡ tầng tum và tầng 19 mới thực hiện được khoảng gần 32m2 sàn. Do vậy, Thanh tra thành phố kết luận chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc, kéo dài thời gian tồn tại công trình sai phạm.
Kết luận của Thanh tra thành phố cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Giám đốc Sở Xây dựng kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, các cá nhân có sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý; báo cáo đề xuất xử lý đối với cán bộ liên quan thuộc Hà Nội quản lý, có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định đối với những sai phạm nêu tại Kết luận Thanh tra.
Thanh tra thành phố cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan, có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định; đồng thời tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, thường xuyên kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện, đôn đốc, kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn./.
Theo TTXVN