Các lò gạch thủ công ở Hải Dương vẫn ngang nhiên hoạt động

Thứ tư, 13/01/2016 13:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mặc dù UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động sản xuất gạch bằng lò thủ công từ ngày 1-1-2016, nhưng đến nay, hàng chục lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh vẫn ngang nhiên nhả khói như chưa hề có lệnh cấm.




Các lò gạch ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) vẫn tiếp tục đóng gạch mộc.

Việc đốt gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Hải Dương những năm qua đã gây ra nhiều sự cố, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh. Gần đây, vào tháng 9- 2015, việc đốt hai cặp lò gạch thủ công ở xã Bình Dân, huyện Kim Thành đã gây thiệt hại cho hàng chục ha cây ăn quả, nhiều nhất là cây ổi của nhân dân xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng, dẫn đến tình trạng bà con nông dân khiếu kiện vượt cấp kéo dài.

Trước thực trạng trên, ngày 23-9-2015, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công bắt đầu từ ngày 1-1-2016. Trong đó, nêu rõ: Sau ngày 1-1-2016, nếu địa phương nào vẫn còn lò gạch thủ công hoạt động thì chủ tịch UBND huyện (thị xã, thành phố) đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Sau đó, vào ngày 6-10-2015, tại buổi tiếp công dân khiếu nại về khói lò gạch, ông Nguyễn Mạnh Hiển khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương (nay là Bí thư Tỉnh ủy) đã có ý kiến như sau: Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các chủ lò thủ công sản xuất gạch sét nung ký cam kết phải chấm dứt hoạt động trước ngày 31-12-2015. Sau ngày này, chủ lò nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định…

Tuy vậy đến nay, rất nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh vẫn ngang nhiên nhà khói bất chấp lệnh cấm của các cấp chính quyền. Hiện nay, hai bên đê sông Thái Bình thuộc địa bàn TP Hải Dương và các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Cẩm Giàng, hàng chục lò gạch vẫn nghi ngút nhả khói bất chấp lệnh cấm của các cấp chính quyền.

Ngày 11-1, huyện Tứ Kỳ thành lập đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra các lò gạch đang bất chấp lệnh cấm, nhưng mọi việc chỉ dừng ở việc lập biên bản vi phạm, còn các chủ lò thì “một - hai” đề nghị được gia hạn thời gian dừng đốt lò. Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: Chắc chắn phải chấp hành lệnh dừng đốt lò gạch thủ công theo quyết định của UBND tỉnh, nhưng đến nay huyện vẫn còn một số vướng mắc. Khả năng đến tháng hai huyện sẽ cho cưỡng chế. Trước hết là cắt điện sản xuất, cắt dốc qua đê, hoặc cho phun nước.

Ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương chỉ đạo UBND các xã, phường có lò gạch thủ công phải cương quyết hơn trong việc kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động và yêu cầu các chủ lò phải thực hiện nghiêm quy định của UBND tỉnh. Đối với các lò vẫn còn đốt, trước hết yêu cầu các chủ lò tuyệt đối không đóng thêm gạch mộc.

Qua quan sát của phóng viên, hiện nay huyện Kinh Môn vẫn còn gần chục lò hoạt động; TP Hải Dương, huyện Tứ Kỳ, huyện Cẩm Giàng mỗi nơi còn hơn chục lò hoạt động… Hiện tại, huyện Nam Sách là đơn vị thực hiện khá tốt quy định của UBND tỉnh, chỉ còn một lò trong tổng số 30 lò hoạt động.

Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn để sớm chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Hệ thống lò gạch thủ công dày đặc ven sông Thái Bình đang hoạt động như chưa hề có lệnh cấm.

Lò gạch thủ công ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) đang nhả khói.

 

Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)