Nhiều thách thức đặt ra
Sau 5 năm triển khai Chương trình số 07-CTr/TU ngày 18/10/2011 của Thành uỷ về “Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011 - 2015”, TP. Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển, việc mở rộng của Thủ đô, vấn đề quản lý phát triển đô thị cần có các điều chỉnh cho phù hợp theo từng giai đoạn.
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có nhiều thách thức đặt ra trong xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, thách thức về công nghệ đặt ra việc Hà Nội cần sự đổi mới về công nghệ: xây lắp, xử lý nước thải, rác thải, cấp nước đô thị, quản lý vận hành các khu chung cư cao tầng, việc tái thiết các khu chung cư cũ...
Bên cạnh đó là công nghệ phát triển không gian ngầm khi phát triển một đô thị văn minh, hiện đại; phát triển nhà ở cao tầng, đặc biệt là các khu vực hạn chế phát triển cũng gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, đặt ra vấn đề phát triển hệ thống và đội ngũ phương tiện phòng cháy chữa cháy của Thủ đô.
Thách thức về sự phát triển hệ thống giao thông công cộng đặt ra khi quy hoạch chùm đô thị của Thủ đô Hà Nội chỉ thực sự phát triển hoàn thiện khi hình thành hệ thống giao thông công cộng vận chuyển hành khách với khối lượng lớn; Với tình hình phát triển kinh tế hiện nay đây là một thách thức không nhỏ của Thủ đô Hà Nội trong tương lai gần.
Bên cạnh đó là thách thức về vấn đề nhà ở. Việc phát triển nhà ở của Hà Nội thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích khi nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Song vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, học sinh sinh viên,... chiếm hơn 80% dân số của Thủ đô vẫn là một thách thức đối với Hà Nội. Hiện tại việc phát triển thị trường nhà ở cho thuê vẫn là một khó khăn đối với thủ đô Hà Nội.
Thách thức về hạ tầng kỹ thuật đô thị đặc ra việc để đảm bảo đồng bộ trong đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, thời gian qua Hà Nội hoàn thành cơ bản việc nghiên cứu và trình duyệt các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, quy hoạch giao thông, quy hoạch nghĩa trang, quy hoạch về công viên cây xanh và hồ, quy hoạch về vật liệu xây dựng, quy hoạch xử lý chất thải rắn). Tuy vậy, việc lựa chọn công nghệ, nguồn vốn triển khai thực hiện đồng bộ khớp nối các quy hoạch này với Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội là một thách thức không nhỏ đối với Hà Nội, cần có một sự chuẩn bị về thời gian, con người và vật lực.
Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị đặt ra thách thức với đặc điểm là Thủ đô, trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh với rất nhiều công trình xây dựng lớn hiện đại, dân số tăng nhanh. Tuy nhiên, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, công tác tuyên truyền và ý thức của người dân chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu, dẫn đến bộ mặt thành phố còn chưa có được sự ngăn nắp, trật tự và văn minh.
Thách thức về ô nhiễm môi trường đô thị do tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm cho nhiều công trình kiến trúc, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật không ngừng được cải tạo và xây dựng mới. Tuy nhiên, hậu quả tất yếu của quá trình đô thị hóa là những tác động tiêu cực về ô nhiễm môi trường đô thị. Để đảm bảo môi trường đô thị phát triển bền vững cần có giải pháp lý đồng bộ liên quan đến môi trường đô thị, cải thiện các điều kiện vi khí hậu như: Môi trường không khí, nước, tiếng ồn...
5 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng
Trước những thách thức và yêu cầu mới trong công tác quản lý xây dựng phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại, nhiều nhóm giải pháp đã và đang được triển khai đồng bộ trên địa bàn Thủ đô, từng bước xây dựng được hạ tầng cơ sở thiết yếu cho công tác quản lý, xây dựng.
Theo ông Lê Văn Dục, TP. Hà Nội đã và đang triển khai 5 nhóm giải pháp để thực hiện quản lý hiệu quả, đó là các nhóm giải pháp về: Hoàn thiện hành lang pháp lý; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật, phù hợp với đặc thù quản lý xây dựng phát triển đô thị của Thủ đô; khuyến khích tiến tới áp dụng công nghệ cao trong xây dựng và quản lý xây dựng, phát triển đô thị; Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động và phát huy các nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.
Giải pháp khuyến khích tiến tới áp dụng công nghệ cao trong xây dựng và quản lý xây dựng, phát triển đô thị khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong thi công xây dựng các công trình; xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, tiện ích phục vụ nâng cao đời sống của người dân như: Quản lý hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống giao thông, môi trường... Đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đô thị tạo sự đồng bộ chung trong quản lý môi trường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trong đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, Hà Nội sẽ tập trung vốn ngân sách để xây dựng hạ tầng khung và đầu mối, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc. Ưu tiên đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo kết nối hạ tầng đô thị với các khu vực xung quanh; đảm bảo chất lượng, tiến độ và xây dựng; phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phân bố lại dân cư, chuẩn bị quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội và Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về trật tự, kỷ cương trong xây dựng.Đây là giải pháp trọng tâm bởi tuyên truyền có hiệu quả sẽ góp phần hạn chế việc phát sinh các vi phạm trật tự xây dựng, giảm áp lực giải quyết cho các cơ quan chức năng và giảm thiệt hại về vật chất cho xã hội.
Theo Chinhphu.vn