Nơi “đại gia” hội tụ
Kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, quá trình đô thị hóa ở phía Tây diễn ra nhanh hơn, nhất là khu vực hai bên Vành đai 3 và các khu vực cửa ngõ như Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính. Hầu như tất cả “đại gia” bất động sản như Indochina Land, Keangnam, Bitexco, TNR, Vinaconex… đều đã hội tụ về phía Tây, tạo nên một trung tâm đô thị hiện đại và phát triển năng động nhất nhì Thủ đô.
Theo công ty tư vấn bất động sản CBRE, phía Tây Hà Nội là một trong những khu vực có nguồn cung nhà ở phong phú nhất từ đầu năm đến nay, chiếm tới 21% tổng nguồn cung căn hộ trên toàn thành phố. Trong đó, khu vực quanh quận Nam Từ Liêm tiếp tục đón nhận những dự án “khủng”.
Ngoài khu đô thị Mỹ Đình I, II đã đi vào hoạt động từ lâu và các dự án đang triển khai, sắp tới, sức nóng thị trường bất động sản khu vực này được dự báo sẽ tăng nhiệt bởi sự gia nhập của dự án khu đô thị Green City có diện tích 17,6ha do Tập đoàn Vingroup đầu tư, bao gồm cả cao tầng và thấp tầng với các tiện ích đầy đủ như siêu thị, trường học, công viên cây xanh ...
Theo một số thông tin ban đầu thì dự án này sẽ được các công ty tư vấn hàng đầu thế giới thiết kế. Với tiềm lực và uy tín của Vingroup thì Green City hứa hẹn sẽ mang đến diện mạo mới và khuấy động thị trường phía Tây.
Dịch chuyển ra phía Tây - xu hướng thức thời
Không phải ngẫu nhiên các nhà đầu tư bất động sản đổ xô về phía Tây. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, định hướng phát triển đô thị Thủ đô là tập trung về hướng Tây, trong đó khu vực dọc tuyến đường Vành đai III sẽ trở thành một trung tâm hành chính và thương mại hiện đại. Trụ sở của nhiều bộ, ngành đã và đang tiếp tục chuyển về khu vực Cầu Giấy và Mỹ Đình. Mới đây, Hà Nội đã công bố quy hoạch trụ sở của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên diện tích 28ha tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm.
Không những thế, rất nhiều doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn lớn nước ngoài như KPMG và PwC đã chuyển văn phòng từ trung tâm về phía Tây. Vì thế, các nhà văn phòng lớn như Keangnam, Grand Plaza, Indochina Plaza cùng hàng chục cao ốc quy mô vừa ở khu đô thị mới Cầu Giấy đều đã lấp đầy.
Sự dịch chuyển của các cơ quan hành chính cũng như văn phòng làm việc của các doanh nghiệp đã kéo theo nhu cầu mua nhà ở khu vực lân cận. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực phía Tây như trường học, bệnh viện… ngày càng phát triển đồng bộ và hoàn thiện hơn nên thu hút được đông đảo người mua nhà, thậm chí lôi kéo được cư dân vốn quen sống ở trung tâm thành phố.
Có thể dễ dàng điểm tên những trường học dang tiếng đã có mặt tại khu Tây Hà Nội như: Amsterdam, Marie Curie, Lê Quý Đôn, Việt – Úc và Olympia. Các tiện ích khác như trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà hàng, vui chơi giải trí, cho tới các cơ sở y tế như Bệnh viện E, Bệnh viện 198 đều có sẵn.
Sức hút của khu Nam Từ Liêm sẽ còn tăng khi sắp tới Vingroup thâm nhập thị trường bằng dự án được dự báo sẽ rất quy mô, với tổ hợp tiện ích đồng bộ và hiện đại. Một khu đô thị mới đẳng cấp và đồng bộ như Times City, Royal City, Vinhomes Central Park… sẽ sớm hình thành tại Tây Hà Nội.
Theo Thanhtra.com.vn