Phát triển đô thị thành phố Thái Nguyên theo hướng văn minh, hiện đại

Thứ ba, 08/12/2015 12:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm gần đây, T.P Thái Nguyên là trong những địa phương có sự đột phá về công tác quy hoạch và thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng đô thị. Diện mạo của Thành phố ngày càng khang trang, hiện đại, mang đậm bản sắc vùng miền, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh mà còn của vùng trung du miền núi phía Bắc.

Sông Cầu được T.P Thái Nguyên chọn làm trục không gian đô thị, mở rộng Thành phố về phía Đông Bắc và tăng cường các kết nối Đông – Tây

Trong nhiệm kỳ vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, cùng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Đảng bộ T.P Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành hầu hết các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng ổn định, quy mô không ngừng được nâng lên. Công tác quản lý đô thị, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị được tăng cường. Văn hóa xã hội được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội cơ bản được bảo đảm, tạo môi trường an toàn, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội…

Một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung mà Thành phố đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là công tác quản lý, xây dựng và phát triển đô thị. Một điều dễ nhận thấy là diện mạo đô thị của T.P Thái Nguyên đang được thay đổi từng ngày với không gian từng bước mở rộng, hài hòa; hệ thống giao thông được cải tạo, xây mới với nhiều cây xanh, cùng điểm nhấn là các công trình xây dựng có quy mô, hiện đại… Trong phương án quy hoạch chung của T.P Thái Nguyên đến năm 2035 của UBND Thành phố đã xác định lấy sông Cầu làm trục không gian đô thị, mở rộng thành phố về phía Đông Bắc và tăng cường các kết nối Đông - Tây. Quy hoạch mới nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên dọc hai bên sông Cầu để nâng cao chất lượng môi trường đô thị và tạo không gian mở cho T.P Thái Nguyên. Sau khi điều chỉnh, diện tích tự nhiên của Thành phố sẽ tăng từ 18.970ha lên trên 24.200ha, dân số cũng tăng từ gần 288.000 người lên trên 329.000 người.

Đồng chí Lê Quang Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Với phương án điều chỉnh quy hoạch mới, T.P Thái Nguyên sẽ phát triển với cấu trúc đô thị bền vững trên cơ sở không gian xanh. Định hướng đến năm 2035, Thành phố sẽ trở thành một cực phát triển phía Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời là trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, một thành phố hấp dẫn, giàu bản sắc và hiện đại. Trên cơ sở định hướng quy hoạch chung, công tác chỉnh trang đô thị và thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được Đảng bộ T.P Thái Nguyên xác định là khâu đột phá, tập trung chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong nhiệm kỳ 2010-2015. Đến nay, T.P Thái Nguyên đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thành phố; lập và triển khai nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Dấu ấn trong không gian đô thị của T.P Thái Nguyên là hàng loạt các công trình xây dựng có tầm vóc. Có thể kể đến dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông của tỉnh, T.P Thái Nguyên và nhiều tỉnh, thành khác đến Thái Nguyên. Bên cạnh đó, Thành phố còn tập trung thực hiện Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - tỉnh Thái Nguyên” với tổng mức đầu tư 80 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để nâng cấp 2 công trình trọng điểm. Đó là Dự án đường Việt Bắc, mở ra cơ hội để Thành phố phát triển đô thị phía bên kia đường sắt Hà Hội - Thái Nguyên và Dự án xây dựng cầu Bến Tượng để phát triển Thành phố sang phía Bắc sông Cầu; các công trình xây dựng như: Trung tâm thương mại Đông Á Plaza; Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc; Trường Đại học Việt Bắc; Dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội thị… cũng đang từng bước được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND T.P Thái Nguyên kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án đường Việt Bắc

Đồng chí Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết thêm: Hướng tới mục tiêu phát triển đô thị T.P Thái Nguyên theo hướng văn minh, hiện đại, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ T.P Thái Nguyên xác định công tác xây dựng, quản lý và phát triển đô thị là nhiệm vụ trọng tâm. Đảng bộ Thành phố cũng đã đề ra một số giải pháp chủ yếu để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị, đảm bảo quy hoạch có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trên cơ sở quy hoạch đã có, huy động mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó ưu tiên bố trí vốn ngân sách, đồng thời huy động có hiệu quả nguồn vốn của các nhà đầu tư, vốn vay ưu đãi, vốn đóng góp của nhân dân và các nguồn tài trợ khác. Cũng theo đồng chí Lê Quang Tiến, để đạt được mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại thì vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đóng vai trò then chốt. Đảng bộ T.P Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó lấy cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.


Theo Thainguyen.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)