Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, số lượng nhà tái định cư còn tồn đọng nằm tại dự án tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh với khoảng 1.721 căn nhà và 279 nền đất; tại khu Thủ Thiêm, quận 2 còn gần 1.500 căn đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng chưa đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, có khoảng 2.210 căn nhà tái định cư tại năm dự án khác cũng đã được xây dựng. Theo dự kiến, đến năm 2016, riêng tại Thủ Thiêm sẽ có thêm gần 9.300 căn nhà tái định cư được hoàn thành. Đó là chưa kể nhiều khu nhà khác trong thời gian này cũng sẽ được xây dựng.
Mặc dù quỹ nhà tái định cư tồn đọng lớn, nhưng theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ thực hiện 462 dự án về nhà ở, hạ tầng, chỉnh trang đô thị và cải tạo chung cư cũ với nhu cầu tái định cư lên đến khoảng 28 nghìn trường hợp. Đặc biệt, sẽ ưu tiên dành quỹ nhà cho chương trình di dời 10 nghìn hộ dân sống ven kênh, rạch và các chung cư cũ. Riêng chương trình giải tỏa nhà ven kênh, rạch từ nay đến năm 2025 cần đến 20.000 căn tái định cư. Do vậy, quỹ nhà tái định cư phải thường xuyên dôi dư để khi một dự án bắt đầu đã có sẵn nhà tái định cư trên khắp các quận, huyện cho người dân chọn lựa.
Trong thời gian sắp tới, 12.500 căn tái định cư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), vì nhu cầu tái định cư của dự án không còn, cho nên thành phố sẽ phân bổ về cho các quận, huyện lân cận để làm quỹ nhà tái định cư. Đối với khu tái định cư Vĩnh Lộc B gồm khoảng 45 block chung cư với gần hai nghìn căn hộ, nền đất, thành phố đang cân đối để cho các quận, huyện có nhu cầu đăng ký giãn dân, tái định cư. Kể cả những trường hợp không đủ nhà ở xã hội, tái định cư, cũng xem xét giải quyết nếu người dân đồng ý. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã có chính sách thống nhất đem đấu giá bán gần 1.000 căn nhà tái định cư Vĩnh Lộc B, nhằm tạo nguồn vốn để xây nhà tái định cư cho các dự án trọng điểm khác. Thành phố cũng đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất lập thủ tục bán đấu giá khoảng 142 nghìn m2 đất thuộc dự án tái định cư 30 ha Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2 để đầu tư xây dựng hạ tầng cho thành phố. Theo điều kiện mà thành phố đưa ra đối với đơn vị trúng đấu giá là phải xây dựng trục đường chính, lộ giới 25 m (đường số 1) trong khu tái định cư 30 ha Nam Rạch Chiếc và đường dân sinh hai bên cầu; đường ven sông lộ giới 15 m (đường số 2 và số 3) đối với các đoạn tiếp giáp khu tái định cư này; đồng thời, xây dựng đường nội bộ trong khu nhà ở tái định cư số 1 và số 4… (các tuyến giao thông nội bộ và kết nối).
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn cho biết thêm, hiện nay, nhiều quỹ nhà tái định cư đã được đầu tư với mong muốn chủ động quỹ nhà để bố trí cho người dân khi có nhu cầu. Do đó, ngay khi một dự án khởi động, UBND thành phố đã có sẵn quỹ nhà để người dân lựa chọn về giá, vị trí,... chứ không thể giải tỏa dân đi rồi mới xây nhà. Nếu như vậy lại phát sinh tình trạng tạm cư. Hiện, Sở Xây dựng đang xem xét cân đối quỹ nhà tái định cư đang triển khai, hiện có và thừa tạm. Nếu thấy thừa mà đem bán thì các dự án sau không có nhà tái định cư cho người dân, từ đó phát sinh tình trạng tạm cư tiếp. Một vấn đề quan trọng hiện nay là không được để nhà tái định cư đã xây dựng xuống cấp, lãng phí.
Chủ trương của thành phố là không thay đổi mục tiêu tái định cư, chỉ thay đổi phương thức cho phù hợp điều kiện thực tế trong việc bố trí, sắp xếp nhà tái định cư cho các hộ dân. Khi bố trí tái định cư phải bảo đảm đúng các quy định, không để lãng phí quỹ nhà tái định cư; bảo đảm 24 quận, huyện luôn có nhà để người dân dễ dàng lựa chọn. “Không có chuyện dôi dư quỹ nhà tái định cư và để trống gây lãng phí. Trước mắt, Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố về phương án khai thác tổng thể quỹ nhà và nguồn vốn thanh toán của các dự án thuộc Chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm. Sở cũng báo cáo phương thức và nguồn vốn thanh toán Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư 30,2 ha Bình Khánh, quận 2”, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn đã khẳng định như vậy.
Theo Báo Nhân dân điện tử