Khu Đô thị mới làm thay đổi diện mạo Thủ đô

Thứ năm, 05/11/2015 13:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hà Nội là một trong những Thành phố có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất cả nước; nhiều Khu đô thị mới (KĐTM) đã và đang hình thành làm thay đổi diện mạo của Thủ đô theo hướng tích cực và hiện đại.

Ảnh minh họa

Góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm, các KĐTM hình thành đã góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống mới hiện đại hơn.

Việc triển khai xây dựng các KĐTM ở Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô, tạo không gian đô thị mới với kiến trúc hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ đô thị đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ chỗ ở và điểm sinh hoạt cho nhân dân Thủ đô.

Đặc biệt, việc bố trí tỷ lệ nhà cao tầng đến 60% diện tích đất xây dựng theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội năm 2001 là bước đột phá về mặt cảnh quan cũng như tăng hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm nguồn lực từ đất đai, cũng là yếu tố cơ bản hình thành mô hình phát triển các Khu ĐTM hiện đại giai đoạn sau này.

Tại một số KĐTM, với thành phần chủ yếu là các nhà ở cao tầng cũng đã làm biến đổi hình thái kiến trúc nhà ở Hà Nội, và đặc biệt thay đổi cả tư duy, nhận thức quan niệm xã hội về phương thức ở hiện đại, đặc biệt trong tầng lớp trẻ khi ưa chuộng thể loại nhà chung cư mới, nhiều tiện nghi, thông thoáng mà quên đi quan niệm cũ là đề cao nhà mặt phố và chia lô.

Cần đổi mới theo hướng đô thị xanh

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Hải cho rằng, trong quá trình phát triển KĐTM vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm giải quyết. Chẳng hạn như, nhiều KĐTM xây dựng giai đoạn vừa qua chưa tạo ra được các không gian cư trú tiện nghi và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; không được đầu tư ngay đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cũng như thiếu vắng các không gian công cộng, các quảng trường văn hóa,...

Do đó, để giải quyết những tồn tại trên, ông Hải nhấn mạnh: “Việc quy hoạch luôn phải đi trước một bước. Đổi mới mô hình KĐTM theo hướng tiếp cận bền vững và đô thị xanh. Ưu tiên tối đa chỉ tiêu sử dụng đất cho các công trình công cộng và dịch vụ, cây xanh công viên cảnh quan đô thị. Kết hợp giữa phát triển với bảo tồn các giá trị văn hóa, công trình hiện hữu, khai thác các giá trị văn hoá truyền thống”.

Tiếp đó, phải phát triển ĐTM theo kế hoạch và phải được kiểm soát chặt chẽ, có chọn lọc theo hướng trở thành các “đơn vị” hoàn chỉnh phục vụ phát triển KTXH. Đầu tư đồng bộ nhà ở với HTXH và HTKT, đồng thời với các dịch vụ đô thị; đa dạng hóa các loại nguồn lực cho phát triển KĐTM. Lựa chọn các nhà đầu tư là yếu tố quyết định.

Ngoài ra, cần quản lý phát triển nhà ở, thực hiện các phương thức cung cấp nhà ở cho các đối tượng, dự báo theo nhu cầu của thị trường như: nhà ở kinh doanh bán và cho thuê, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp, và xây dựng quỹ nhà ở phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Cuối cùng, cần có sự tham gia của cộng đồng trong các dự án xây dựng các KĐTM và tham gia quản lý vận hành KĐTM, sự đóng góp của cộng đồng là yếu tố quan trọng để dự án đạt tính hiệu quả và bền vững.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)