Các địa phương được hỗ trợ xây nhà theo mô hình chống lũ đợt này là thị xã Hương Trà được hỗ trợ 812 triệu đồng để xây dựng 58 nhà; thị xã Hương Thủy 2,31 tỷ đồng đẻ xây dựng 165 nhà; huyện Phong Điền 5,376 tỷ đồng, xây dựng 384 nhà; huyện Quảng Điền 2,856 tỷ đồng, xây dựng 204 nhà; huyện Phú Vang 3,36 tỷ đồng, xây dựng 240 nhà; huyện Phú Lộc 2,31 tỷ đồng, xây dựng 165 nhà; huyện Nam Đông 2,184 tỷ đồng, xây dựng 156 nhà; huyện A Lưới 1,428 tỷ đồng, xây dựng 102 nhà.
Việc xây nhà chống lũ tại Thừa Thiên-Huế được thực hiện với nguyên tắc nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5-3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố.
Toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 3.508 hộ nghèo trong diện được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điển này, đã có 2.235/3.508 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà phòng, tránh bão, lụt với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng.
Theo nhận xét của các địa phương trong vùng, mặc dù được gọi là chòi phòng tránh lũ, lụt nhưng thời gian qua, với biết bao trận bão, lũ nhưng 100% căn nhà này vẫn đứng vững, tính mạng con người được an toàn. Cũng từ khi có chòi phòng tránh lũ, lụt bao gia đình đã thoát nghèo, tự tin hơn để vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với việc xây nhà chống lũ, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xây dựng và nhân rộng những mô hình trồng hoa màu theo mô hình chống lũ. Xã Quảng Thành ở vào vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền, thay vì trồng rau màu giữa đất bãi, địa phương này đã triển khai mô hình "Trồng rau vượt lũ," trên những giàn rau được xây cao hơn 1m so với mặt đất, có diện tích từ 20-50 m2/giàn; trên giàn có mái che, bảo quản rau trong những ngày mưa không bị dập nát. Vì vậy, ngay khi nước lũ rút, người dân có thể trồng kịp thời vụ, phục vụ thị trường.
Toàn xã Quảng Thành hiện có 325 hộ trồng rau, với diện tích lên đến 65ha. Nhiều gia đình xây dựng mô hình trồng rau trên giàn, cho thu nhập vào cả các ngày mưa lũ. Rau xanh vào mùa mưa thường bán được giá, cao gấp 2-3 lần so với chính vụ. Một hộ chỉ cần 25m2 trồng rau xanh theo mô hình vượt lũ cũng cho thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/tháng.
Ở một mô hình khác, tiến sỹ Nguyễn Văn Quy, giảng viên Khoa Nông học-Đại học Nông lâm Huế cũng thành công trong đề tài nghiên cứu về công nghệ thủy canh (trồng cây bằng nước và chất dinh dưỡng) và sản xuất chất dinh dưỡng chuyên cho rau trên bộ dụng cụ trồng rau sạch theo phương pháp Thủy canh. Bộ dụng cụ được làm bằng chất liệu vải bạt có chiều cao 1m, chiều ngang 1,5m, hai mặt bên có những túi nhỏ.
Điều đặc biệt, mọi quy trình chăm bón sẽ được làm một cách tự động nhờ một máy bơm nhỏ và một đồng hồ thiết lập thời gian. Máy bơm và đồng hồ sẽ được đặt trong một thùng nước cạnh bộ dụng cụ. Nước sạch và chất dinh dưỡng đổ đầy thùng.
Mỗi ngày đồng hồ sẽ tự động điều chỉnh máy bơm hoạt động ba lần (6 giờ, 12 giờ, 18 giờ), mỗi lần tưới 10 phút để đưa nước lên tưới cho cây. Số nước mà cây không "hút" hết sẽ lại được tuần hoàn xuống thùng nước để tận dụng.
Với cách làm này, người trồng rau có thể trồng tới 750 gốc rau chỉ trên một diện tích nhỏ khoảng 5m2. Trong vòng 30 ngày sẽ sản xuất được 12kg cải (hoặc xà lách). Như vậy, không chỉ hộ gia đình mà mô hình này còn có thể đưa vào sản xuất quy mô lớn trong mùa mưa lũ./.
Theo TTXVN/VIETNAM+