Theo đó, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch nghĩa trang nêu trên khoảng 23-25ha. Khu đất nghiên cứu được xác định là nghĩa trang tập trung cấp thành phố, sử dụng hình thức cát táng, hỏa táng hiện đại không gây ô nhiễm môi trường cho khu vực xung quanh, có không gian cảnh quan hài hòa với khu vực lân cận; phục vụ nhu cầu của Nhân dân và quy tập mộ di chuyển trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Các khu chức năng chính bao gồm: Nhà hỏa táng, khu lưu tro cốt trong nhà, khu mộ cát táng, mộ lưu tro cốt ngoài trời và các công trình phụ trợ khác: Nhà quản trang, nhà kho, công trình thờ - cúng - tưởng niệm, sân vườn, bãi để xe... Về diện tích giao thông tối thiểu 11%; diện tích cây xanh tối thiểu 25%.
Việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết nghĩa trang Trần Phú nhằm xây dựng nghĩa trang phục vụ nhu cầu cát táng, hỏa táng, lưu tro cốt với công nghệ táng hiện đại, đảm bảo nhu cầu sử dụng trước mắt và lâu dài phù hợp với nếp sống văn minh của Nhân dân Thủ đô. Nghiên cứu, khớp nối đồng bộ khu vực quy hoạch với các dự án có liên quan và khu làng xóm hiện có được chỉnh trang.
Đề xuất phân khu chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với cảnh quan chung khu vực và tính chất sử dụng nghĩa trang. Đảm bảo khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường đến khu vực dân dụng, mặt nước cũng như các yêu cầu khác về tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Xây dựng quy định quản lý theo quy hoạch, làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và làm cơ sở pháp lý để các cơ quan, chính quyền địa phương quản lý đầu tư xây dựng theo quy định…
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 496/QĐ-TTg, ngày 8/4/2014), từ nay đến năm 2020, Hà Nội dành 13.000 tỷ đồng để đóng cửa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới một số nghĩa trang; đến năm 2030 là 24.000 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới nhà tang lễ quốc gia.
Dự báo đến năm 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang thành phố sẽ là 1.247ha.
Trong đó, tại khu vực đô thị là 1.103ha và 144ha dành cho khu vực nông thôn.
Theo Báo Kinh tế & Đô thị điện tử