Theo Quy hoạch xây dựng huyện Phúc Thọ đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 được phê duyệt, định hướng tổ chức không gian của huyện gồm hai phần. Thứ nhất là tổ chức không gian đô thị, huyện Phúc Thọ có 1 đô thị loại V – thị trấn sinh thái Phúc Thọ, được phát triển mở rộng thị trấn Phúc Thọ về phía Đông trở thành trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn huyện Phúc Thọ và là một trong chuỗi đô thị thị trấn của TP Hà Nội.
Việc hình thành khu đô thị sinh thái trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị cảnh quan hiện có, kết nối với hệ thống không gian chung của TP Hà Nội, đặc biệt là các khu vực chức năng lân cận như thị xã Sơn Tây, đô thị Hòa Lạc, vùng núi Ba Vì, khu du lịch sinh thái Hồ Đồng Mô… Thứ hai, định hướng tổ chức không gian khu dân cư nông thôn, tôn tạo cảnh quan làng xóm truyền thống gắn với việc khai thác các hoạt động phục vụ du lịch tại nông thôn, ở các khu dân cư và tại làng nghề, các điểm di tích văn hoá lịch sử trong xã...
Phối cảnh Đồ án quy hoạch thị trấn sinh thái Phúc Thọ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/5.000
Đối với Đồ án Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Phúc Thọ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/5.000, vị trí khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chung cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 30km về phía Tây Bắc, trên trục Quốc lộ 32. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 1.038,6ha bao gồm: Một phần ranh giới hành chính thị trấn Phúc Thọ hiện hữu và một phần các xã Phúc Hòa, Trạch Mỹ Lộc, Phụng Thượng - Huyện Phúc Thọ, xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất).
Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích nghiên cứu 1.038,57ha và tổng diện tích đất khu vực lập quy hoạch 945,5ha. Trong đó phần diện tích đất thuộc ranh giới hành chính huyện Phúc Thọ là 647,9ha, phần diện tích đất thuộc ranh giới xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất là 297,6ha. Quy mô dân số năm 2030 là 32.820 người (trong đó dân số thuộc huyện Phúc Thọ 25.000 người, dân số thuộc xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất 7.820 người).
Mục tiêu và nhiệm vụ của đồ án là đảm bảo phát triển thị trấn sinh thái theo mô hình đô thị sinh thái để hỗ trợ phát triển vùng nông thôn nằm trong hành lang xanh với các dịch vụ chất lượng cao, sản xuất công nghệ cao. Đồng thời khắc phục các vấn đề hiện tại về môi trường theo định hướng quy hoạch chung và sử dụng hợp lý quỹ đất xây dựng, tạo lập môi trường sống văn minh, hiện đại phù hợp với truyền thống, văn hóa dân tộc.
Theo Kinh tế đô thị