Trong hai ngày 22-23/12, UBND TP Đà Nẵng phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và TP Yokohama tổ chức diễn đàn Phát triển đô thị Đà Nẵng lần thứ nhất.
Với vị thế TP lớn thứ 3 cả nước, Đà Nẵng là trung tâm kết nối hai miền Bắc-Nam, giữa miền Trung với Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 10 năm (2003-2013) là 11,5%/năm với dân số gần 1 triệu người.
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2013 đạt 46.737 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2003; GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 47,07 triệu đồng (2.650 USD), gấp 4,5 lần năm 2003 và bằng 1,3 lần cả nước.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Đà Nẵng, quy hoạch đô thị không bắt kịp nhịp phát triển. Trong khi đó, tình trạng thiếu vốn, việc đầu tư hạ tầng kĩ thuật không được đấu nối đồng bộ,… đã ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án và môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị tích hợp, ông Toru Hashimoto (Cục chính sách, TP Yokohama) cho biết, Yokohama đã xây dựng 6 dự án chính trong giai đoạn tăng trưởng đô thị nhanh, thiết kế đô thị theo khung cảnh đường chân trời, cũng như nhiều sáng kiến về môi trường giúp tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ thiên nhiên như xe điện miễn phí trong khu mua sắm, hệ thống sưởi và làm mát khu vực…
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn hy vọng, từ những kinh nghiệm của Yokohama, Đà Nẵng sẽ sớm có những kế hoạch, làm cơ sở để tiếp tục xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và là nền tảng cho hợp tác phát triển bền vững giữa 2 TP trong tương lai.
Qua đó, xây dựng Đà Nẵng theo hướng phát triển bền vững, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, là tiền đề để phát triển các ngành kinh tế xã hội, dịch vụ thương mại, du lịch và an ninh-quốc phòng vào năm 2030.
Hiện Đà Nẵng đã thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1.650 đồ án với tổng diện tích đất phê duyệt khoảng 24.500 ha. Trong đó, tập trung phát triển đô thị theo hướng chính Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, trên cơ sở khai thác tối đa ưu thế thuận lời từ điều kiện tự nhiên đem lại.
Đồng thời, quy hoạch đô thị với nhiều công trình trọng điểm như sân bay Đà Nẵng, hạ tầng bệnh viện, đường vành đai, mở rộng Quốc lộ 1,…
Hệ thống hạ tầng cấp-thoát nước, giao thông, xử lý nước thải được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, “xanh hóa” đô thị… luôn được quan tâm, đã dần định hình Đà Nẵng trở thành một không gian đô thị rõ ràng, phân khu chức năng mạch lạc và hòa hợp với môi trường thiên nhiên thực tại.
Tuy nhiên, để đô thị phát triển bền vững, Đà Nẵng cần thêm những định hướng có tầm nhìn xa hơn trong tương lai.
Theo Chinhphu.vn