Công tác này nhằm đưa hai khu nhà vào sử dụng trong năm 2014, mục tiêu đảm bảo chỗ ở đối với gần 18.200 học sinh, sinh viên.
Hiện, Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (Sở Xây dựng) bắt đầu tiếp nhận đăng ký thuê chỗ ở tại hai khu nhà ở sinh viên trên.
Đối tượng trong diện được thuê gồm học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề không phân biệt công lập hay ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội; các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề trên địa bàn có nhu cầu đăng ký để sinh viên thuê.
Theo quy hoạch, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp bố trí 10.800 chỗ ở, từ tầng 2 đến tầng 19 thuộc ba khối nhà. Diện tích là 56,9 m2/phòng với 8 sinh viên/phòng.
Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II có 7.368 căn, từ tầng 2 đến tầng 21 thuộc ba khối nhà; diện tích 45 m2/phòng với 6 sinh viên/phòng.
Giá thuê dự kiến đối với khu nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp là 205.000 đồng/sinh viên/tháng; khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II là 215.000 đồng/sinh viên/tháng (giá trên đã bao gồm VAT và không bao gồm giá dịch vụ điện, nước).
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, ngoài hai dự án ký túc xá tập trung trên của thành phố, cơ quan này hướng dẫn các chủ đầu tư khẩn trương triển khai xây dựng tám dự án nhà ở cho sinh viên trong khuôn viên các trường Đại học, đáp ứng chỗ ở đối với hơn 12.000 sinh viên.
Tuy nhiên, đến nay, bốn dự án được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ngân sách thành phố đều chậm tiến độ do thiếu vốn và điều chỉnh dự án.
Cụ thể, Trường Đại học Lâm nghiệp thiếu khoảng 60 tỷ đồng để hoàn thiện, hiện đang xin điều chỉnh dự án sử dụng nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trường Đại học Điện lực (cơ sở 2 tại Sóc Sơn) thiếu khoảng 111,22 tỷ đồng.
Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phải tạm dừng thi công vì thiếu vốn (khoảng 23 tỷ đồng); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thiếu khoảng 33,64 tỷ đồng để hoàn thành dự án.
Trước những khó khăn trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất báo cáo thành phố giải pháp bố trí phần vốn còn thiếu, cho phép điều chỉnh dự án. Đồng thời, Sở Xây dựng và Sở Tài chính bàn bạc, thống nhất với bộ, ngành chủ quản của các trường học, chủ đầu tư xây dựng mô hình, cách quản lý hiệu quả, phù hợp./.
Theo TTXVN/Vietnam+