Thừa Thiên - Huế: Nhiệm vụ hàng đầu là phát triển đô thị và bảo vệ các di sản

Thứ ba, 19/08/2014 15:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Qua 5 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên - Huế đã hoàn tất các thủ tục cần thiết. Qua đó, UBND tỉnh TT- Huế kiến nghị với Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, thẩm định hồ sơ đề án đề nghị công nhận TT-Huế đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Mong sớm cả tỉnh lên thành phố

Phát biểu trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng (ngày 08/8/2014) Bí thư Tỉnh ủy TT- Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Huế rất quan tâm về quy hoạch, nhưng đô thị Huế có tính đặc thù riêng, điều đó ai cũng biết. Để xây dựng TP hiện đại có lẽ với Huế rất khó, bởi là một TP cảnh quan, di sản, văn hóa… TT- Huế cần sớm được công nhận đô thị loại I trực thuộc Trung ương, càng sớm càng tốt để có cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có, đồng thời, có những định hướng phát triển ở những khu vực nằm trong giới hạn cho phép. Nếu thế hệ hôm nay không làm được, các thế hệ mai sau càng khó hơn, nhất là trong việc giữ gìn TP di sản. “Chúng tôi giữ TP di sản Huế như giữ nhà thờ, không chỉ cho chúng tôi mà giữ cho cả nước. Không chỉ cho thế hệ bây giờ mà cho các thế hệ mai sau. Nói như thế để thấy sự nhất quán trong quyết tâm xây dựng TT-Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương của tỉnh TT-Huế, mong lãnh đạo Bộ Xây dựng quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ”.

Năm qua, tình hình chỉ tiêu phát triển kinh tế cơ bản đạt và vượt kế hoạch, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,9%, tổng vốn đầu tư 7 tháng đầu năm ước đạt hơn 8.342 tỷ đồng, bằng 54,9% kế hoạch năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách 7 tháng đầu năm ước đạt hơn 2.631 tỷ đồng, bằng 55,3% dự toán, tăng 1% so với cùng kỳ. Đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh chũng được quan tâm, trong đó tập trung khia thác quỷ đất tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Vận động, thực hiện dự án cá nguồn vốn ODA,FDI… kêu gọi đầu tư vào KCN, KKT, KĐTM. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 đạt 13.700 tỷ đồng, dự kiến tổng vốn đầu tư năm 2014 đạt 15.200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế cho biết, qua thực hiện công tác quản lý Nhà nước về ngành Xây dựng, địa phương TT-Huế vẫn gặp một số khó khăn, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thành thông tư hướng dẫn công khai thông tin năng lực các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về chất lượng công trình xây dựng.

Ở Thông tư số 10/2013/NĐ-CP ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định các công trình di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới được xếp vào công trình cấp đặc biệt. Tuy nhiên, việc xếp loại di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới tại Huế được xét đến chủ yếu trên các yếu tố chính về văn hóa, lịch sử, đặc trưng kiến trúc và tính quàn thể các công trình… Nhưng khi xét yếu tố quy mô công trình, mức độ phức tạp của kết cấu công trình, quy mô diện tích… các công trình ở Huế đều có quy mô nhỏ, kết cấu đơn giản. Do vậy kính đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu xếp các loại công trình di tích Huế vào nhóm công trình cấp III, cấp II nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư, tôn tạo di tích.

Chú trọng vào công tác phát triển đô thị

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh TT- Huế, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng mà tỉnh TT- Huế đã đạt được trong những năm qua. Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần đổi mới công tác quản lý chất lượng xây dựng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết 15 của Chính phủ về quản lý chất lượng xây dựng nhằm chấn chỉnh những bất cập, thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thực hiện Luật Xây dựng, có hiệu lực vào đầu năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương xây dựng TT-Huế trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, vấn đề chỉ là thời gian. Dù chưa được công nhận, song không vì thế mà TT-Huế không chú trọng công tác phát triển đô thị. Phải xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, nhất là trong việc bảo vệ các di sản của Huế. Tiếp tục thực hiện quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch các đô thị, trọng tâm là TP Huế. Thiết kế, chỉnh trang đô thị, đầu tư hạ tầng đô thị để tạo ra một đô thị chất lượng, cả cảnh quan và hạ tầng. Tỉnh cũng cần bổ sung kế hoạch phát triển trung hạn. Giai đoạn từ 2016 - 2020, cần có cơ cấu đầu tư đặc thù, không dàn trải.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh TT- Huế, bà Phạm Thị Nhâm - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia cho rằng: Khi xét phân loại đô thị theo Nghị định 42/NĐ-CP, TT-Huế có lợi thế nổi trội về nhóm tiêu chí số 6 “Kiến trúc cảnh quan đô thị”. Để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Huế trong không gian đô thị, TT-Huế cần tập trung nghiên cứu lập thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc để quản lý tốt hơn các dự án đầu tư và định hướng cho phát triển về sau. Huế là đô thị chứa đựng quỹ di sản kiến trúc cảnh quan đô thị đồ sộ, đặc sắc nhất cả nước, nên ban hành Bộ tiêu chuẩn xây dựng địa phương dành riêng cho Huế. Vì chúng ta không thể áp dụng Bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chung để quy hoạch xây dựng các thành phố như Đà Nẵng, hay Hà Nội, TP.HCM… vận dụng cho đô thị TT-Huế được. Khi có tiêu chuẩn xây dựng riêng, Huế có thể hóa giải được các chỉ tiêu chưa đạt, không phù hợp thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển đô thị bền vững. Ngoài ra, để đảm nhận vai trò là 1 trong 5 đô thị lớn của Quốc gia, TT-Huế cần được hình thành những công trình mang tính động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là ở các khu công nghiệp, KKT Chân Mây-Lăng Cô. Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị tại Hương Trà, Hương Thủy và Thuận An, bởi hiện nay hạ tầng ở các đô thị này chỉ tương đương đô thị loại IV nên chưa có sự kết nối, lan tỏa.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)