“Hơn 100% đô thị hoàn thành QH”
Trước đó, năm 2013, ngành Xây dựng Thanh Hóa chiếm tỷ trọng 13,3% trong GDP toàn tỉnh, đóng góp 1,69% trong tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh 11,2%.
Đề cập đến những thành quả nổi bật trong năm qua, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn cho biết: Trong công tác chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính, Sở đã phát hành 5.000 văn bản, trong tổng số văn bản, hồ sơ đi - đến tiếp nhận qua đường đơn thư. Tất cả các văn bản, hồ sơ tiếp nhận đều được xử lý có chất lượng, bảo đảm thời gian quy định. Sở cũng đã tổ chức tập huấn các Nghị định của Chính phủ thuộc ngành Xây dựng như Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, các thông tư liên quan… cho các cán bộ làm công tác quản lý xây dựng tại các ngành, tại 27/27 huyện, thị xã, TP.
Đặc biệt, Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác lập QH với số lượng lớn, chất lượng tốt. Điển hình là “hơn 100% đô thị trong toàn tỉnh đã hoàn thành QH. 100% trong tổng số 574 xã đã được phê duyệt QH xây dựng nông thôn mới”. Trong các năm 2011 - 2013, Thanh Hóa đã phê duyệt 210 đồ án, bao gồm cả QH xây dựng (QH vùng, QH chung, QH phân khu, QH chi tiết, QH điểm dân cư nông thôn) và QH chuyên ngành (VLXD, cấp thoát nước…), chấp thuận địa điểm cho 500 dự án. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều đồ án QH lớn như QH mở rộng KKT Nghi Sơn, QH trung tâm vùng huyện Tĩnh Gia, QH chung đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, QH KCN Lam Sơn - Sao Vàng QH chi tiết tỷ lệ 1/500 KCN Ngọc Lặc…
“Các đồ án QH được phê duyệt bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, có tính thực tiễn, tính khả thi và tầm nhìn dự báo cao, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - ông Ngô Văn Tuấn nhận định.
Lý giải về tỷ lệ “hơn 100%” nói trên, ông Tuấn cho biết: Tất cả các đô thị từ loại V trở lên trong toàn tỉnh đã được phê duyệt QH chung, 80% đô thị được phê duyệt QH phân khu và QH chi tiết. Thanh Hóa hiện đang lập đề án thành lập thêm 10 đô thị nữa…
Dẫu vậy, người đứng đầu ngành Xây dựng Thanh Hóa cũng thừa nhận: Thanh Hóa là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất cả nước. Năm 2010, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh mới đạt tỷ lệ 10,4%. Do đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII đã đặt mục tiêu và đưa vào Nghị quyết Đại hội phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 25%.
Triển khai Nghị quyết, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án Xây dựng phát triển hệ thống đô thị Thanh Hóa đến năm 2015. Theo đó, đến năm 2015, toàn tỉnh có 45 đô thị, mở rộng địa giới hành chính 20 thị trấn… Sau 2 năm triển khai đề án, đến hết tháng 12/2013, toàn tỉnh có 31 đô thị, nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt 18,4%.
Đề nghị cho chia lô, bán nền tại những vị trí phù hợp
Một thành quả khác cũng được lãnh đạo Sở Xây dựng đề cập là trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, Thanh Hóa có chuyển biến tích cực cả về nhận thức, năng lực quản lý, trình độ khoa học, kỹ thuật do vậy chất lượng ngày càng nâng cao, chống thất thoát, lãng phí. Trong các năm 2011 - 2013, hơn 1.200 công trình xây dựng trên địa bàn được kiểm tra chất lượng. Qua kiểm tra, các chủ đầu tư đã khắc phục kịp thời những tồn tại về kỹ thuật nên trên địa bàn không để xảy ra sự cố công trình, kể các công trình thủy lợi, thủy điện…
Trong công tác quản lý VLXD, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định quản lý; lập, điều chỉnh, bổ sung các QH VLXD. Sở cũng thường xuyên kiểm ta, tổ chức thực hiên các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng sản phẩm trong sản xuất, khai thác, chế biết khoáng sản làm VLXD, kiểm tra chất lượng các VLXD sử dụng trong công trình.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển nhà ở, bao gồm nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại... Sở thực hiện rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở để phân loại các dự án tiếp tục được thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, nhà hình nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường và nguồn lực xã hội. Sở hướng dẫn, hỗ trợ các DN BĐS chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu DN cho phù hợp.
Đối với các dự án kinh doanh BĐS, Sở đang trình UBND tỉnh, trình Bộ Xây dựng cho phép thực hiện hình thức chia lô, bán nền tại những vị trí phù hợp.
Theo : Báo Xây dựng điện tử