Hiện nay Đà Nẵng đang quản lý 7.800 căn hộ CC, trong đó 7.651 căn hộ đã bố trí. Hiện có gần 800 hộ thuộc diện giải tỏa trên địa bàn thành phố đã có quyết định bố trí căn hộ CC của UBND TP Đà Nẵng, nhưng các hộ này chưa bàn giao mặt bằng nên việc bố trí CC gặp nhiều khó khăn. Đợt một đã kiểm tra và xử lý 141 trường hợp vi phạm sử dụng căn hộ CC sai mục đích, cho thuê, sang nhượng trái phép, đã thu hồi 78 căn hộ, cho thuê tiếp tục 60 căn hộ và ba căn hộ thuộc diện giải tỏa đã chuyển đổi tên hợp đồng sử dụng đúng quy định. Đợt hai sau khi tiến hành tổng kiểm tra 7.000 căn hộ với 164 nguyên đơn, phát hiện 118 hộ cán bộ công nhân viên chức thành phố vi phạm, có hai trường hợp đã trả lại nhà còn lại đang tiếp tục xử lý.
Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ bán thí điểm các căn hộ CC cho những đối tượng thực sự đủ điều kiện, giảm áp lực quản lý CC cho thành phố và hình thành nếp sống văn hóa CC, chấm dứt tình trạng cán bộ vi phạm sử dụng căn hộ CC, nếu trả thì rút kinh nghiệm, nếu không trả, thì buộc phải cưỡng chế thu hồi và xử lý dứt điểm. Đối với những trường hợp vi phạm mà không phải đảng viên, công nhân viên chức nhà nước thì thành phố sẽ khởi kiện ra tòa. Làm rốt ráo để chấm dứt các nội dung liên quan đến việc phân bổ, sử dụng và quản lý chung cư. Hiện toàn bộ căn hộ CC đều đang được thành phố ký hợp đồng cho thuê và thu tiền hằng tháng.
Đây là lần đầu tiên HĐND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị giám sát, nhằm chọn lọc những vấn đề thật sự cần kíp và bức xúc của cử tri để giám sát, xử lý và báo cáo với cử tri thành phố tại kỳ họp thứ chín vào tháng bảy tới.
Tại hội nghị này, ông Trần Thọ đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan cần tập trung xử lý các vấn đề khác mà cử tri bức xúc như ô nhiễm môi trường tại các lô đất trống, vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và bố trí, quản lý sử dụng nhà chung cư và xã hội hóa việc xây dựng Công viên 29-3, nhưng nhất quyết không để xảy ra tình trạng “công viên” sau xã hội hóa biến thành “tư viên”.
Ông Trần Thọ cũng yêu cầu chủ tịch các quận, huyện tăng cường công tác giám sát thực tế tại các địa điểm cử tri bức xúc, ý kiến để “sáp” vào giải quyết, không báo cáo bằng miệng mà phải báo cáo bằng kết quả thực tế sau khi xử lý. UBND thành phố cần có biện pháp lâu dài, tập trung xử lý những địa điểm ô nhiễm môi trường lớn và nóng nhất. Rà soát phân loại các lô đất trống, cân nhắc việc bố trí tạm thời làm khu vực đỗ xe, phải ưu tiên tạm thời trồng cây xanh tại các lô đất trống.Riêng Đề án xã hội hóa Công viên 29-3 sẽ được UBND thành phố báo cáo tại kỳ họp giữa năm HĐND TP Đà Nẵng vào tháng bảy tới để xin ý kiến các đại biểu HĐND thành phố.
Theo báo cáo của Thường trực HĐND TP Đà Nẵng tại hội nghị này, vấn đề nhận được nhiều ý kiến cử tri bức xúc nhất là việc xử ly ô nhiễm môi trường tại các khu đất trống hiện nay như khu 84 Hùng Vương, khu công viên vườn hoa, Thành đoàn Đà Nẵng (cũ).
Đà Nẵng hiện có hơn 1.500 lô đất trống, dù các địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng tình trạng tái ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra do không có ai quản lý. Trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong quản lý nhà nước đối với các lô đất trống đang bị đồn đẩy và chưa cụ thể dẫn đến việc sau khi xử lý ô nhiễm môi trường tại các lô đất trống thì tái diễn tình trạng đổ lén xà bần, khó xử lý. Vấn đề lấn chiếm vỉa hè, đậu đỗ xe tại lòng, lề đường trái quy định như đường Quang Trung, Lý Tự Trọng, Phan Đình Phùng… thành phố giao UBND quận Hải Châu ra quân xử lý dứt điểm.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đề nghị chủ tịch các quận, huyện phải xác định lại vai trò quản lý Nhà nước của từng địa phương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội. Vào cuộc xử lý tất cả các vấn đề xảy ra trên địa bàn mình quản lý, không được đùn đẩy trách nhiệm và phải rà soát lại tổng số các lô đất trống “không chủ” trên từng địa bàn, có kế hoạch cụ thể để ra quân xử lý sạch, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường, nhếch nhác tại các lô đất trống làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, mất mỹ quan đô thị.
Theo Nhân dân điện tử