Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về đánh giá thực trạng, nhận diện tiềm năng và thách thức thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia; tầm nhìn - dự báo và các phương án ý tưởng quy hoạch xây dựng thành phố Quy Nhơn đến năm 2035 trở thành một Trung tâm kinh tế lớn của quốc gia của Công ty tư vấn Arep Ville (AREP- Pháp).
Cấu trúc không gian tổng thể Đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận của phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quốc Thông; phát triển đô thị thích ứng với thiên tai, bão lũ vùng ngập ở Tuy Phước, lưu vực sông Kôn và sông Hà Thanh của Viện khoa học Thủy lợi và Chiến lược phát triển Quy Nhơn; vùng phụ cận thành một Trung tâm du lịch Quốc gia và khu vực của Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch… cũng được đưa ra tại hội thảo này.
Về không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn với tổng diện tích 67.000ha; trong đó thành phố Quy Nhơn hiện hữu có tổng diện tích trên 28.420ha; huyện Tuy Phước có hơn 21.600ha; hai xã Canh Vinh và Canh Hiển (huyện Vân Canh) có tổng diện tích 13.630ha và xã Cát Tiến, huyện Phù Cát với tổng diện tích trên 4.000 ha.
Về dân số hiện trạng đến cuối năm 2012 trên 525.000 người và dự kiến đến năm 2035 lên 750.000 người.
Về địa giới của đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận gồm phía Bắc giáp huyện Phù Cát; phía Tây giáp thị xã An Nhơn; Phía Đông giáp biển Đông và phía Nam giáp thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương-kiêm Trưởng Ban Điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã đề xuất những ý tưởng cụ thể về phát triển đô thị Quy Nhơn. Trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch tốt, quản lý quy hoạch và có kế hoạch phân kỳ cụ thể từng giai đoạn (mỗi giai đoạn 10 năm để huy động nguồn lực phát triển) và quy hoạch phát triển đô thị Quy Nhơn phải gắn liền với tác động của biến đổi khí hậu.
Việc tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo này là nhằm thống nhất phương án bổ sung quy hoạch đô thị Quy Nhơn cho phù hợp với thực tế, theo đó đến năm 2025 trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, có nền kinh tế phát triển theo định hướng dịch vụ-cảng biển-công nghiệp-dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ cảng biển.
Đến năm 2035, Trung tâm kinh tế biển Quốc gia có nền kinh tế phát triển theo định hướng dịch vụ-cảng biển-công nghiệp-du lịch, trọng tâm dịch vụ-cảng biển và đến năm 2050 có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển của khu vực Trung Bộ, có nền kinh tế phát triển theo định hướng du lịch-dịch vụ-cảng biển-công nghiệp; trọng tâm là du lịch-dịch vụ-cảng biển, có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, môi trường và phát triển nhan lực chất lượng cao./.
Theo : TTXVN/Vietnam+