Công bố quy hoạch chi tiết khu trung tâm TPHCM: Công trình cao tầng thấp dần về phía sông Sài Gòn

Thứ sáu, 10/05/2013 09:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 9-5, Sở QH-KT TPHCM họp báo chính thức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TPHCM.

Theo quy hoạch này, khu trung tâm hiện hữu TP rộng 930ha với ranh giới: phía Bắc giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè; phía Tây giáp đường Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám; phía Nam giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học, cầu Ông Lãnh, đường Vĩnh Phước, Hoàng Diệu, Nguyễn Tất Thành và phía Đông giáp sông Sài Gòn.

Toàn khu vực trung tâm hiện hữu sẽ có 5 khu chức năng chính: Khu lõi trung tâm - tài chính, khu trung tâm văn hóa - lịch sử, khu bờ Tây sông Sài Gòn, khu thấp tầng và khu lân cận lõi trung tâm.

Khu lõi trung tâm - tài chính sẽ tập trung các công trình có chức năng thương mại-tài chính của TP. Khu này nằm trọn trong ranh giới của quận 1 với diện tích khoảng 92,3 ha, được giới hạn bởi các đường Tôn Đức Thắng, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão, Hàm Nghi. Khu trung tâm văn hóa - lịch sử là nơi tập trung các công trình có chức năng văn hóa, lịch sử. Khu cũng nằm gọn trong ranh giới quận 1 nhưng tập trung quanh trục đường Lê Duẩn.

Được giới hạn bởi đường Hoàng Sa, rạch Thị Nghè, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Lê Lai, Lê Thánh Tôn. Khu bờ Tây sông Sài Gòn là khu phát triển mới đa chức năng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, thuộc một phần quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành. Khu thấp tầng là khu dân cư hiện hữu, khu vực có nhiều biệt thự thời Pháp, thuộc một phần quận 1 và quận 3, được giới hạn bởi các đường Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám. Khu lân cận lõi trung tâm là khu vực kế cận phân khu 1 về phía Nam với chức năng kinh doanh thương mại được giới hạn bởi các đường Hàm Nghi, Phạm Ngũ Lão…

Tổ chức không gian kiến trúc đô thị toàn khu trung tâm hiện hữu TPHCM sẽ được thực hiện với nguyên tắc: Tầng cao của các công trình mới sẽ thấp dần để tạo sự cân bằng với các công trình lịch sử, tổ chức các công trình cao tầng thấp dần về phía sông Sài Gòn để đảm bảo tầm nhìn từ phía trong ra bờ sông, tạo không gian mở cho cả khu vực.

Riêng công trình xây dựng ở các khu phát triển dọc sông Sài Gòn và gần chợ Bến Thành sẽ được xây cao hơn nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc. Ưu tiên phát triển giao thông công cộng tại khu trung tâm, tạo các khu phố đi bộ để phát triển du lịch và thương mại, dịch vụ…

Theo ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, đồ án quy hoạch này sẽ được triển khai bằng cách lồng ghép với các dự án, chương trình phát triển đô thị của TPHCM. Trong đó, việc phát triển nhà ga trung tâm metro ngầm ở khu vực Công viên 23-9 và trước chợ Bến Thành sẽ giúp hình thành không gian, tạo đà cho các đường giao thông ngầm ở đây phát triển.


Theo Sài gòn Giải phòng Online

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
EMC Đã kết nối EMC